Khảo sát của phóng viên
Vnexpress.net chiều 11/10 tại các bệnh viện: Việt Đức, Bạch Mai, K, Phụ sản Trung ương cho thấy, chuyện bệnh nhân, người nhà đưa tiền cho bác sĩ, y tá khá phổ biến.
5 bệnh viện lớn tại Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung Ương, Bệnh viện K và E là các đơn vị thí điểm phong trào thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong ngành y tế, trong đó có nội dung bác sĩ nói không với phong bì, do công đoàn ngành phát động. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại hoàn toàn khác.
Ngồi đợi đến giờ vào thăm cháu ở khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bà Ngà (chợ Hôm, Hà Nội) lấy 50.000 nhét vào chiếc tã giấy. "Phải kín đáo vậy họ mới nhận. Ngày nào tôi cũng làm thế, chỉ mong người ta để ý số thứ tự mà chăm cháu kỹ hơn", bà nói.
Cách đây hơn tuần, con dâu bà Ngà sinh mổ tại bệnh viện này. Bé sinh non tháng nên phải nằm lồng kính. Bà Ngà cho biết, từ lúc có thai, con dâu bà đã tìm được một bác sĩ có tiếng tại viện và theo khám tại phòng mạch tư của vị này. Lúc sắp sinh, chị đến nhờ ông trực tiếp mổ và khi mọi việc xong xuôi đã đưa phòng bì cảm ơn 2 triệu đồng.
<>Với tâm lý "phải có phong bì khi vào viện người nhà mình mới được chăm sóc chu đáo hoặc khỏi mất công chờ đợi", hầu hết bệnh nhân đều đưa thêm tiền cho nhân viên y tế, từ khâu khám, xét nghiệm, đến lúc mổ, ra viện, và bằng nhiều cách khác nhau, chủ yếu là gặp đưa tại phòng riêng, kẹp trong sổ khám, nhét vào túi áo blouse, thậm chí cài vào người (với bé sơ sinh cần tắm)...
Có con học lớp 10 bị viêm gan B nên chị Hiền (Hiệp Hòa, Bắc Giang) thường xuyên đưa cháu tới Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra. Lần đầu, chị mua sổ rồi xếp hàng đợi đến lượt khám, xét nghiệm, xong xuôi mất đứt 2 ngày. Lần thứ 2, rút kinh nghiệm, chị vẫn mua phiếu, nhưng không xếp hàng mà đưa con lên thẳng phòng bác sĩ nhờ khám cho nhanh, kèm phong bì 200.000 đồng.
|
Có ít nhất 2 người trong số này đã phải đưa tiền cho nhân viên y tế khi chờ người thân sinh nở tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Minh Thùy. |
Hiện nay, nhiều bệnh nhân coi việc đưa phong bì như một "thủ tục" không thể thiếu khi vào viện. Vì thế, không ít người, dù không ai gợi ý, cũng chủ động đưa tiền cho nhân viên y tế để được thoải mái, an lòng, nhất là khi có người thân bị bệnh nặng, cần mổ xẻ.
Bế cô con gái mới hơn một tháng tuổi đứng đợi xe ở gần cổng Bệnh viện Việt Đức, chị Thanh (Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, bé bị giãn bể thận, vừa được mổ nội soi trong viện và được về nửa tháng rồi lên mổ banh lại. "Cho tới giờ, tôi đã đưa 4 phong bì, mỗi cái một triệu, cho 4 người: Bác sĩ trưởng khoa (để xếp cho cháu nhanh được mổ), bác sĩ mổ, người gây tê, điều dưỡng", chị Thanh kể.
Chị cho biết, việc đưa bao nhiêu tiền, cho ai, vào lúc nào... chị cũng phải mất nhiều thời gian mới "học" được vì vợ chồng chị đều ở quê, chưa phải vào viện lần nào. "Bác trưởng khoa thì phải vào phòng riêng, lấy cớ hỏi tình hình bệnh của con, lịch mổ rồi kẹp phong bì vào cuốn sổ, để lên bàn. Bác sĩ mổ, gây tê thì phải đưa trước lúc mổ, sau đó quay lên đưa một gói cho điều dưỡng luôn để họ chăm sóc con mình được chu đáo", chị Thanh chỉ dẫn.
Theo lời chị, tất cả những nhân viên y tế chị gặp chưa ai gợi ý chị phải đưa tiền nhưng cũng chẳng có ai tỏ vẻ từ chối lúc chị nhét phong bì. "Những người có con cùng nằm cùng phòng với tôi đều làm vậy. Con mình còn đỏ hỏn thế này phải đụng dao kéo vào người, lo lắm chứ, thêm vài đồng cho bác sĩ mà yên tâm hơn thì chẳng ai không làm, dù tiền đó cũng phải chạy vạy ngược xuôi mới có", chị nói.
"Thậm chí, nếu không đưa phong bì, còn thấy ngại, có lỗi. Tôi cũng nghiệm ra là, nếu không thêm tiền thì khó mà được chăm sóc cẩn thận, chu đáo bằng người có”, bác Thanh, 57 tuổi (Hưng Yên) đang điều trị xạ tại khoa Ung Bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.
Dù vậy, không phải ai đút lót cho bác sĩ cũng nhận được sự ưu ái hơn vì số bệnh nhân quá đông. Cách đây không lâu, chị Lan (Hà Nội) đưa em họ ở Lạng Sơn vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ cắt khối u xơ tử cung. Vì khối u khá to, sợ biến chứng, chị đã chọn bác sĩ mổ với chi phí 1,5 triệu. Để yên tâm, chị còn gặp trực tiếp bác sĩ phẫu thuật nhờ xếp lịch mổ sớm và làm cẩn thận hơn.
“Lần đầu gặp, mình đưa cho bác sĩ một triệu đồng. Ấy thế mà 2 hôm sau lên giục thì ông ấy chả nhớ mình là ai. Mình hoảng quá, may mà ca mổ tốt, không thì áy náy mãi”, chị Lan nói.
Theo một khảo sát nhanh của Vnexpress.net với gần 1.000 độc giả, có tới hơn 1/3 số người được hỏi khẳng định lần nào đi viện họ cũng bị gợi ý phải đưa phong bì và 1/5 số khác cho biết, thỉnh thoảng họ cũng gặp tình huống này. Tuy nhiên, cứ 10 người thì có 3 người thừa nhận họ hoàn toàn tự nguyện khi tặng tiền cho bác sĩ.
Thực tế, một số bệnh nhân và người nhà cho biết cũng có bác sĩ không nhận khi họ đưa phong bì.
Có chồng bị gãy xương cổ do tai nạn giao thông, đang đợi mổ tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, chị Nguyễn Thị Sâm (Bắc Ninh) cho biết, vì sốt ruột, gia đình chị đã tìm gặp bác sĩ để "bồi dưỡng", mong họ xếp mổ sớm nhưng không ai nhận phong bì. "Mới đầu tôi cũng lo, sợ mình đưa ít hoặc do đi sai cửa, nhưng sau, thấy mấy người đã được mổ tại đây cho biết, họ cũng bị từ chối tiền nhưng các bác sĩ vẫn điều trị rất ân cần".
Một bác sĩ trong khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết "không nhận phong bì của bệnh nhân" là một quy định được đưa ra từ lâu tại bệnh viện này, có điều, vẫn có cá nhân nào đó không thực hiện đúng. "Ai cũng muốn người nhà mình được ưu tiên và đưa tiền để đạt được điều đó, nhưng chúng tôi chỉ ưu tiên theo mức độ nặng nhẹ, cấp bách của bệnh mà thôi", anh nói.
Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo, Phát triển cộng đồng cho biết, hiện tượng đưa phong bì cho nhân viên y tế phổ biến trên toàn quốc nhưng hầu như chỉ tập trung ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, đặc biệt là các đơn vị quá tải như bệnh viện chuyên khoa.
“Tuy nhiên, nếu quy kết trách nhiệm cho cá nhân trong việc nhận phong bì thì không thoả đáng. Đó là vấn đề của cả hệ thống, cả xã hội. Không chỉ ngành y mà ngành nào cũng có chuyện đút lót”, tiến sĩ Tuấn nói.
Một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận, đúng là "nạn" phong bì đã làm xấu đi hình ảnh ngành y và chủ trương nói "không" với phong bì là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, theo ông, ý nghĩa thực sự của việc đưa phong bì là tiêu cực hay tích cực còn do cách nhìn nhận ở từng góc độ. Nó sẽ là tiêu cực khi nhân viên y tế vòi vĩnh, ra điều kiện hay tỏ thái độ với bệnh nhân. Nhưng khi nó chỉ là tấm lòng của người bệnh đối với người đã cứu chữa cho mình thì lại hoàn toàn khác.
"Đối với những bác sĩ chân chính - theo tôi số này là phần lớn, chữ tâm được đặt lên hàng đầu, điều quan trọng nhất là chữa bệnh cứu người và họ không bao giờ ra giá cho việc đó. Tất nhiên, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, được nhận một lời tri ân, chia sẻ, người thày thuốc sẽ thấy ấm lòng hơn", ông chia sẻ.
Theo ông, để chấm dứt phong bì trong bệnh viện rất khó. "Việc này xuất phát từ hai phía, bên cho và bên nhận. Vì thế, chỉ khi cả hai cùng nói 'không' thì mới có thể ngừng hẳn được, mà điều này chẳng dễ", ông nói.
Tâm sự với VnExpress.net, một bác sĩ có thâm niên 10 năm cho biết, lương của anh là hơn 4 triệu một tháng, tiền bồi dưỡng cho mỗi ca mổ loại 1 được 35.000 đồng, loại 2 được 25.000, loại 3 được 20.000, trực một ngày đêm trắng được 35.000.
Theo anh, hiện đa số nhân viên y tế ở tuyến dưới đều quá chán nản với nghành y, họ còn ở lại bệnh viện chỉ vì cuộc sống, chứ chẳng còn mấy người tâm huyết vì "chế độ tiền lương quá bọt bèo, bệnh nhân còn tệ hơn: chửi mắng, đâm chém, thưa kiện...". Vì thế, bác sĩ cho rằng, trước khi siết chặt vấn đề kỷ luật, cần tăng thu nhập chính đáng cho nhân viên y tế, nếu không thì tất cả các quyết sách trước nay cũng không đạt hiệu quả gì.
Phương Trang - Minh Thùy