Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tránh ung thư

Tư vấn về bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ trên VnExpress.net, Phó giáo sư, Thạc sĩ Tay Eng Hseon (Singapore) nói rằng nếu ông là phụ nữ sẽ nuôi con bằng sữa mẹ, dùng thuốc tránh thai, sống lành mạnh, tầm soát định kỳ... để phòng bệnh.
Sáng nay Phó giáo sư Tay Eng Hsoen cùng bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã nhận được hơn 1.000 câu hỏi của độc giả VnExpress.net nhờ tư vấn về cách phòng tránh, trường hợp cụ thể những bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.
- Thưa bác sĩ, em 37 tuổi, có chích ngừa ung tư cổ tử cung được không? Có phải làm xét nghiệm gì trước khi chích ngừa không? Em thỉnh thoảng hay bị nổi mụn rộp ở sau lưng và nghe nói bệnh này do một loại vi rút tên là HPV gây ra và vi rút HPV này cũng gây nguy cơ ung thư cổ tử cung. (Thuyht, 37 tuổi, HN)
- Phó giáo sư, Thạc sĩ Tay Eng Hseon: Xin chào quý độc giả VnExpress.net. Ở tuổi 37, chị vẫn có thể chủng ngừa ung thư cổ tử cung. Việc chủng ngừa không phụ thuộc vào độ tuổi, tuy nhiên trong khoảng 9-26 tuổi là độ tuổi vacxin sẽ có hiệu quả nhất. Trong trường hợp chị không đang bị nhiễm virus HPV tuýp 16 và 18 ( hai tuýp HPV phổ biến gây ra ung thư cổ tử cung), hoặc đã từng nhiễm, nhưng đã chữa khỏi thì vẫn có thể chích ngừa.
Tôi khuyên chị nên làm phết tế bào cổ tử cung (pap smear) định kỳ.
Mụn rộp ở sau lưng không phải là virus HPV.
- Xin bác sĩ cho biết chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh ung thư vú như thế nào. Người mắc bệnh có phải không được dùng sữa đậu nành và các loại thịt hay không? (Caominhthien, 34 tuổi, TP HCM).
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Trường hợp của chị, tôi có lời khuyên chung là chị nên ăn ít thịt đỏ, nhiều rau củ quả và ăn nhiều thực phẩm chống oxy hóa. Ví dụ như: ăn thịt gà, cá, rau củ quả có màu tươi như cà chua, cà rốt, rong biển... Đặc biệt, chị nên tránh những thực phẩm chứa nhiều hooc môn nữ như Đông quy.
Phó giáo sư Tay Eng Hseon đang tư vấn trực tuyến về bệnh ung thư ở phụ nữ, tại tòa soạn VnExpress.net sáng 21/10. Ảnh: Đ.Huy
Phó giáo sư Tay Eng Hseon đang tư vấn trực tuyến về bệnh ung thư ở phụ nữ, tại tòa soạn VnExpress.net sáng 21/10. Ảnh: Đ.Huy
- Con xin hỏi bác sĩ Phượng, con đi khám định kỳ thì khi siêu âm thấy vú phải có nang nước bờ đều kích thước 3-5mm. Như vậy có nguy hiểm và có dẫn đến ung thư vú không và có cần phải áp dụng cách điều trị nào không ạ. (Nguyễn Thị Hiền, 23 tuổi, TP HCM)
- Bác Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Cô Hiền thân mến, xin hỏi thêm là Hiền đã sinh con chưa? Có cho con bú hay không? Tôi muốn biết các chi tiết trên vì đó là những yếu tố quan trọng trong nguy cơ đưa đến ung thư vú. Sau đây là một vài con số về ung thư vú, Hiền có thể tham khảo thêm: "Theo nghiên cứu trên, trong năm 2010, số phụ nữ tử vong do ung thư vú là 425 nghìn người, ung thư cổ tử cung 200 nghìn người, trong đó có 46 nghìn phụ nữ trong độ tuổi 15-49. Họ sống ở các nước đang phát triển. Riêng tại Việt Nam, thống kê ngành y cho thấy mỗi năm số phụ nữ mắc mới ung thư vú là 4.769 người với 1.692 ca tử vong".
Hiền có quan tâm đến sức khỏe, có đi khám định kỳ, có làm siêu âm vú là rất tốt. Nang nước ở vú có bờ đểu, kích thước 3-5mm thường là không phải nang ác tính. Tuy nhiên, Hiền cần đi khám trở lại khoảng 6 tháng sau để xem nang này có phát triền hay không. Nếu nang to ra, có thể nhờ bác sĩ dúng kim nhỏ chọc hút dịch nang để làm xét nghiệm tìm tế bào bất thường (Fine Needle Aspiration-FNA). Hiện nay chưa cần phải điều trị cũng như chưa cần làm thêm xét nghiệm gì.
- Muốn phát hiện sớm ung thư cổ tử cung thì cần phải làm những gì? Biểu hiện của bệnh này như thế nào? (P.Lam, 39 tuổi, Thái Bình)
- BS Phượng: Cô Lam thân mến, tôi muốn được cô cho biết thêm là cô có gia đình chưa? Có sinh con chưa?
Muốn phát hiện sớm ung thư cổ tử cung thì những phụ nữ đã có gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục cần phải khám phụ khoa định kỳ hàng năm hoặc khám phụ khoa ngay khi có rong huyết sau giao hợp. Khi khám, yêu cầu Bác sĩ thực hiện phết tế bào cổ tử cung xem có tế bào dị dạng hay không. Nếu có, sẽ làm thêm các xét nghiệm như: tìm sự hiện diện của HPV, định danh HPV xem có trong nhóm nguy cơ cao hay không, soi cổ tử cung và sinh thiết chỗ bất thường của cổ tử cung dưới sự hướng dẫn của máy soi. Ở những địa phương chưa có thực hiện được các xét nghiệm trên, các bác sĩ có thể làm test VIA, tức là dùng Axit Acetic 3% bôi lên cổ tử cung, xem có vết trắng hay không. Nếu có, tức là có bất thường, sẽ phải đến bệnh viện tỉnh để tiếp tục làm các xét nghiệm chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
Biểu hiện của ung thư cổ tử cung: Khi cổ tử cung có ung thư giai đoạn IB trở lên thì cổ tử cung có thể có tổn thương sần sùi, chạm vào chảy máu và hàng ngày người bệnh cảm thấy có dịch tiết ra ở âm đạo hôi, màu vàng có lẫn máu. Tuy nhiên chờ đến khi có biểu hiện lâm sàng thì đã quá trễ. Cần phải phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn 0 là giai đoạn tiền xâm nhiễm. Khi phát hiện sớm, điều trị sớm, thì việc điều trị nhẹ nhàng hơn, ít tốn kém hơn mà lại hiệu quả hơn rất nhiều, ung thư cổ tử cung bị cắt đứt sự tiến triển, không có di căn sang các bộ phận lân cận và không có di căn hạch bạch huyết.
- Đầu tháng 10 vừa rồi, em đi khám phụ khoa có làm xét nghiệm PAP. Kết quả khám bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, kết quả PAP bất thường (Tế bào gai không điển hình ASCUS). Bác sĩ cho em hỏi trường hợp bất thường của em có nguy hiểm hay không? Năm nay em 28 tuổi và đang dự định có em bé, cách chữa trị như thế nào và có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không? (Windy Nguyen, 28 tuổi, TP HCM)
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Chào Windy Nguyen, trường hợp này của em không nguy hiểm. Bác sĩ của em có thể chữa trị chứng viêm âm đạo và viêm cổ tử cung này. Sau khi đã trị khỏi khoảng 3-6 tháng, em nên kiểm tra PAP Smear lại để đảm bảo đã dứt bệnh. Nếu vẫn còn có kết quả PAP bất thường như trên, em nên đến gặp chuyên gia về cổ tử cung để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Chứng bệnh sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của em.
- Chào bác sĩ, con 28 tuổi, bị K buồng trứng giai đoạn IC (u dịch trong biên giáp), đã mổ cắt buồng trứng trái tháng 6/2011 tại bệnh viện Từ Dũ. Con được xuất viện, không điều trị hóa chất. Bác sĩ nói không điều trị hóa chất để dễ sinh con. Từ đó đến nay con đã đi tái khám được 3 lần. Kết quả CA 125 đã giảm, lúc xuất viện là 24.58 và giờ là 12.46. Nhờ bác sĩ tư vấn là bao giờ con mới được có con (hiện tại con chưa có) và liệu con của con có bị di truyền không. Và tư vấn cho con chế độ sinh hoạt, ăn uống. (Nguyễn Thị Thu Hiền, 28 tuổi, quận Tân Phú, TP HCM)
- BS Phượng: Xin chào cô Thu Hiền, và xin chúc mừng cô đã qua được giai đoạn khó khăn nhất trong bệnh tật của mình. Kết quả mổ ung thư buồng trứng giai đoạn IC như Hiền đã ghi, cô nghĩ, có một chút lầm lẫn vì có lẽ đó là "u dịch trong giáp biên ác tính". Do đó bệnh viện đã không điều trị hóa chất tiếp theo. Hiền có thể sinh con ngay khi sức khỏe đã hồi phục. Vấn đề di truyền có thể có xảy ra đối với con gái nhưng không quan trọng. Về chế độ sinh hoạt và ăn uống, Hiền có thể sinh hoạt đi lại bình thường; có thề quan hệ với chồng bình thường; ăn uống bình thường nhưng không nên sử dụng nhiều dầu mỡ, bột đường. Chúc Hiền rất nhiều may mắn. Thân ái.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tham gia tư vấn trực tuyến. Ảnh: Đ.Huy
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tham gia tư vấn trực tuyến. Ảnh: Đ.Huy
- Em năm nay 32 tuổi, vẫn còn độc thân và chưa quan hệ tình dục. Cách đây 4 tháng em có đến Bệnh viện ĐHYD khám tổng quát phụ khoa, bác sĩ chi định em siêu âm bụng dưới và kết quả không có gì bất thường. Xin hỏi bác sĩ, khám tổng quát phần bụng dưới có thể xác định được ung thư cổ tử cung hay buồng trứng không? Nếu không, vậy đối với người độc thân cần phải làm những xét nghiệm gì đề rà soát ưng thư phụ khoa, xin bác sĩ hướng dẫn giúp em. Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Kim Thu, 32 tuổi, Lê Văn Thọ, Gò Vấp, TP HCM)
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Bạn Thu thân mến, đầu tiên siêu âm là một phương pháp hữu ích để tầm soát ung thư phụ khoa. Với độ tuổi của bạn và chưa quan hệ tình dục, bạn vẫn có thể chích ngừa ung thư cổ tử cung.
Trong trường hợp của bạn để tầm soát ung thư buồng trứng, có thể dùng phương pháp kiểm tra máu những chỉ thị sinh học về ung thư buồng trứng và làm xét nghiệm soi tươi huyết trắng để tầm soát ung thư phụ khoa.
- Cho em hỏi có phải đã có vacxin cho phụ nữ trên 26 tuổi? Trên độ tuổi này có nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung được không ạ? (Thu Thao, 31 tuổi, CT)
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Độ tuổi tốt nhất để chích ngừa ung thư cổ tử cung 9-26 tuổi. Tuy nhiên, gần đây đã có một nghiên cứu về chủng ngừa ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên 26 tuổi. Theo kết quả mới nhất, vacxin vẫn có khả năng bảo vệ những phụ nữ trên 26 tuổi tránh khỏi ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, do quy định của từng quốc gia về việc chủng ngừa, kết quả này được thẩm định để mở rộng độ tuổi chủng ngừa ở nhiều nước khác nhau.
- Xin chào bác sĩ. Phụ nữ thường gặp những bệnh ung thư như HPV, ung thư vú... phải không ạ? Em 26 tuổi, có gia đình được hơn 2 năm, nhưng chưa có baby, vậy bây giờ em chích ngừa HPV có được không? Trước khi chích ngừa , em phải làm những xét nghiệm gì? Và một mũi chích khoảng bao nhiêu tiền? Chích ngừa xong, sau này em có thể bị HPV không? Cám ơn bác sĩ . (Hoang Nho, 26 tuổi, Long thanh - dong nai)
- BS Phượng: Chào cô Hoang Nho. Tôi không biết cô có định có con ngay hay chưa? Hai năm nay cô chưa có thai vì cô có kế hoạch chủ động hay vì cô muốn có con mà chưa có được? Trong trường hợp cô không có ngừa thai mà 2 năm chưa có con thì cô phải đi khám và điều trị sớm để có con.
Về vấn đề ung thư sinh dục phụ nữ Việt Nam thường gặp hiện nay là ung thư vú rồi đến ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung. 15 - 20% phụ nữ bị nhiễm mãn tính HPV các nhóm nguy cơ cao thường bị ung thư cổ tử cung trong khoảng từ 9 đến 12 năm sau. Do đó, nên tiêm vacxin dự phòng nhiễm HPV các nhóm nguy cơ cao.
Tuy nhiên, Bộ Y Tế Việt Nam chỉ cho phép tiêm vacxin dự phòng nhiễm HPV cho các cháu gái từ 10 đến 25 tuổi. Cháu 26 tuổi thì đã quá tuổi để tiêm vacxin. Trước khi tiêm không cần phải làm xét nghiệm gì. Khoảng bao nhiêu tiền cho 1 mũi tiêm thì tùy theo loại vacxin mà mình chọn lựa. Hiện nay, tiêm vacxin chỉ dự phòng được 2 nhóm HPV nguy cơ cao là nhóm 16 và 18 là 2 loại HPV chịu trách nhiệm khoảng 70 - 80% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Còn 14 nhóm HPV nguy cơ cao khác chưa có vacxin dự phòng. Có thể có hiện tượng sinh kháng thể chéo 16,18 với 35 và 43, nhưng chưa chắc chắn.
- Chào bác sĩ. Cách dây một tháng em có uống thuốc bỏ thai, thai em lúc siêu âm được 5 tuần. Nhưng hiện nay vẫn còn ra huyết chút ít , em nghe hơi có mùi có phải em bị sót nhau không hay bị nhiễm trùng, em phải làm sao, để lâu quá em sợ bị ung thư quá. Em cảm ơn (Phạm Châu Long, 37 tuổi, Hoa Thanh - Tây Ninh)
- BS Phượng: Hiện tượng còn ra huyết và dịch tiết âm đạo có mùi hôi sau khi uống thuốc phá thai một tháng là dấu hiệu của sót nhau nhiễm trùng. Tuy nhiên trường hợp của em chỉ nhẹ vì em không bị sốt và không bị đau ở vùng hạ vị. Em cần phải đến bệnh viện để được điều trị tiếp, tránh nhiễm trùng nặng hơn, nguy hiểm cho sức khỏe của em cũng như cho tương lai sinh sản sau này. Sót nhau không đưa đến ung thư. Em đã có gia đình, có thể đã có con, cần phải khám phụ khoa định kỳ hàng năm, làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện sớm các loại ung thư sinh dục nữ, điều trị sớm nếu có bệnh sẽ có hiệu quả và ngăn chận được di căn. Mong em không phải lo sợ nhiều nữa.
- Xin bác sĩ cho biết vào độ tuổi 45 thời gian đi tầm soát ung thư là bao lâu một lần, và nên đến địa chỉ nào để tầm soát ung thư sớm. Tôi cư trú ở Ha Nội. Xin cảm ơn bác sĩ. (Trần Vân Anh, 45 tuổi, Hà Nội)
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Chào bạn Vân Anh, đối với phụ nữ trên 40 và dưới 50, mỗi năm bạn nên thực hiện việc phết tế bào âm đạo (PAP Smear) để tầm soát ung thư cổ tử cung và khám tầm soát ung thư vú.
Bạn có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để tầm soát ung thư phụ nữ. Trong trường hợp bạn muốn tôi tư vấn và tầm soát, bạn có thể liên hệ với Trung tâm Ung thư Phụ nữ tại Bệnh Viện Quốc tế Hạnh Phúc.
Phó giáo sư Tay Eng Hseon:
Phó giáo sư Tay Eng Hseon: "Không quan hệ tình dục bừa bãi, sống lành mạnh tránh các bệnh huyết áp, tim, tầm soát định kỳ; nuôi con bằng sữa mẹ, uống thuốc tránh thai, là cách để phòng bệnh ung thư". Ảnh: Đ.Huy
- Thưa bác sĩ, làm thế nào để xác định chính xác bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung? Chỉ tiêu sinh hóa nào là cơ bản và ngưỡng xác định bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung là gì? Cám ơn bác sĩ (Hồng, 38 tuổi, Lê Duẩn Ha Noi).
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Thân chào chị Hồng, sau khi thực hiện phết tế bào (PAP Smear), nếu thấy kết quả bất thường và nghi ung thư cổ tử cung. Để xác định chính xác bệnh nhân ung thư cổ tử cung hay không, chị cần thực hiện sinh thiết tế bào.
- Thưa bác sĩ, em rất hay bị ngứa ở âm đạo, đi khám phụ khoa bác sĩ nói em bị nhiễm nấm âm đạo, bác sĩ đã cho đặt thuốc và uống, sau đó một thời gian em vẫn thấy bị như vậy, nếu tình trạng này kéo dài liệu có bị ung thư cổ tử cung không ạ? (Hoangha, 34 tuổi, ThanhHoa)
- Bác sĩ Phượng: Viêm âm đạo do nấm là một bệnh lý thường gặp của phụ nữ, không những phụ nữ có gia đình mà các phụ nữ còn độc thân cũng có thể bị viêm âm đạo do nấm. Phụ nữ lớn tuổi đã mãn kinh cũng có thể bị bệnh này. Theo Tổ chức Y tế Thế Giới, khoảng 75% phụ nữ ít nhất bị viêm âm đạo do nấm một lần trong đời của mình, phân nửa số này là bị tái nhiễm 2 hay nhiều lần.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ viêm âm đạo do nấm như: sử dụng kháng sinh lâu ngày, có thai, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thiếu máu, tiểu đường... Muốn dự phòng viêm âm đạo do nấm, cần:
* Giữ gìn vệ sinh phụ nữ hàng ngày: nên rửa sạch và lau khô âm hộ và hậu môn mỗi lần đi tiểu tiện. Nếu không rửa mà chỉ lau bằng giấy, phải lau từ trước ra sau để ngăn ngừa vi trùng từ hậu môn nhiễm qua âm đạo. Mặc quần lót bằng con thấm nước, phơi ra nắng sau khi giặt, không nên ủ kín trong mát như thói quen nhiều chị em.
* Giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt tốt.
* Nếu bị tái phát nhiều lần, cần thay đổi thuốc đặt âm đạo và thuốc rửa.
* Viêm âm đạo do nấm không đưa đến ung thư cổ tử cung.
- Em sinh con được 3 năm rồi nhưng chưa thấy xuất hiện kinh nguyệt trở lại. Vậy bác sĩ Phượng cho em hỏi hiện tượng đó có liên quan gì đến bệnh ung thư không hoặc bệnh phụ nữ gì khác. Em cảm ơn. (Phạm Thị Na, 34 tuổi, thị xã Bà Rịa, tỉnh BR-VT)
- BS Phượng: Chào cô Na, hiện tượng vô kinh thứ phát mà em đang gặp không có liên quan gì đến ung thư nhưng có thể do nhiều nguyên nhân khác như: buồng trứng đa nang, dính buồng tử cung hoặc biến chứng do băng huyết nặng sau sinh (nếu có)... Em cần phải đi khám và làm các xét nghiệm để điều trị cho có kinh trở lại bình thường. Thân mến.
- Trong cơ thể đã mắc một căn bệnh ung thư rồi, thì có thể mắc thêm ung thư nữa không? Tôi bị ung thư vòm hầu, có thể mắc thêm các bệnh ung thư thường găp ở phụ nữ nữa không (Huynh Thu, 28 tuổi, Tra Vinh).
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Chào Thu, nhìn chung không có mối liên quan trực tiếp giữa ung thư vòm hầu và các bệnh ung thư phụ nữ. Tuy nhiên, bạn còn khá trẻ khi bị ung thư, nên nguy cơ mắc các loại ung thư khác là khá cao. Do đó, bạn cần thực hiện tầm soát định kỳ để phát hiện và điều trị ung thư sớm.
- Làm sao phát hiện được mình bị ung thư cổ tử cung? Bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn được không? Em lấy chồng rồi có thể tiêm phòng vắc xin ung thư cổ tử cung được nữa không? (Võ Thị Lệ Hằng, 25 tuổi, Ngõ 113 tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai)
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Để phát hiện ung thư cổ tử cung, bạn nên thực hiện phết tề bào âm đạo (PAP Smear) định kỳ. Có 3 bước trước khi bệnh chuyển biến thành ung thư - giai đoạn này gọi là tiền ung thư, tỷ lệ chữa lành là 100%. Ung thư cổ tử cung có 4 giai đoạn: Giai đoạn 1, giai đoạn 2B, giai đoạn 3 và giai đoạn 4. Tỷ lệ chữa lành ở giai đoạn 1 là 85-100%, giai đoạn 2 là 65%, giai đoạn 3 là 40-60%, giai đoạn 4 dưới 20%. Do đó, bạn càng phát hiện ung thư sớm thì tỷ lệ chữa lành càng cao.
Trường hợp của bạn vẫn có thể chích ngừa ung thư cổ tử cung.
- Chi phí thuốc ngừa ung thư cổ tử cung là bao nhiêu ạ? (Cao Thị Hương Giang, 45 tuổi)
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Chào bạn, chi phí chủng ngừa ung thư cổ tử cung tại Singapore tương đương 6 triệu đồng cho 3 liều chích. Phí này chưa bao gồm phí tư vấn và thủ thuật. Tại Trung tâm Ung bướu Phụ nữ (Women Cancer Center) của tôi tại bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, chi phí cho toàn bộ 3 liều chích khoảng 3,4 triệu đồng, đã bao gồm toàn bộ phí tư vấn, vacxin và thủ thuật.
- Chào bác sĩ Tay, em có đọc bài viết về ca phẫu thuật thành công của bác sĩ cho bệnh nhân Lisa (Singapore) bị ung thư cổ tử cung. Với ca phẫu này, Lisa đã được cắt bỏ phần cổ tử cung bị ung thư nhưng vẫn giữ lại được tử cung. Đối với những trường hợp tương tự, liệu có thể chữa khỏi hẳn ung thư cổ tử cung và đảm bảo khả năng làm mẹ cho bệnh nhân? (Anh Nguyen, 27 tuổi)
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Chào bạn Anh Nguyen, đối với những trường hợp tương tự, việc điều trị vẫn được duy trì ở mức độ như những trường hợp khác. Cụ thể giai đoạn 1 tỷ lệ chữa lành 85-100%, giai đoạn 2 là 65%, giai đoạn 3 (40-60%), giai đoạn 4 dưới 20%. Điều đặc biệt, với kỹ thuật được áp dụng trong trường hợp của Lisa, khả năng làm mẹ vẫn được bảo toàn, khác với những kỹ thuật chữa trị trước đây.
Để chị có thêm niềm tin trong việc chữa trị, tôi vui mừng thông báo, hiện tại Lisa và một vài bệnh nhân tương tự của tôi tại Singapore đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để có thể tự mình mang thai. Chúc bạn có nhiều sức khỏe và niềm tin.
- Xin hỏi giáo sư, việc phẫu thuật tạo hình vú cho bệnh nhân ung thư vú có ảnh hưởng tới sức khỏe và dễ tái phát bệnh không? Xin trân trọng cảm ơn giáo sư. (Nguyễn Thu Thủy, 33 tuổi, TP HCM).
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Chào Thủy, phẫu thuật tạo hình vú cho bệnh nhân ung thư vú thường được thực hiện bằng chính các phần mô phù hợp của bệnh nhân. Phẫu thuật này sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Tỷ lệ mắc bệnh trở lại là như nhau cho cả bệnh nhân có phẫu thuật tạo hình vú hay không thực hiện. Do đó, bệnh nhân sau khi thực hiện tạo hình vú, vẫn cần được tầm soát định kỳ.
- Em đã sinh một bé trai 4 tuổi. Khoảng 2 năm em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, Em đang mang thai tháng thứ 6, định sinh mổ. Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung cp1 dẫn tới ung thư không bác sĩ? (duongthingoclinh, 32 tuổi, Quan Bình Thạnh, TP HCM).
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Chào bạn, không có mối liên hệ trực tiếp giữa viêm lộ tuyến và ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên do bạn đã bị viêm lộ tuyến, nên cần thực hiện tầm soát ung thư định kỳ để đảm bảo phát hiện và điều trị ung thư sớm.
- Xin giáo sư cho biết phụ nữ thường hay mắc các bệnh ung thư gì? (Tran Thi Thu Hang, 30 tuổi, Ha Noi)
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Chào Hằng, có hai loại ung thư phụ nữ Việt nam thường mắc phải: ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Mỗi năm, hai loại ung thư này đe dọa sức khỏe của gần 60.000 phụ nữ Việt Nam.
- Xin bác sĩ tư vấn một số thói quen trong sinh hoạt, ăn uống để có thể phòng tránh ung thư vú và ung thư cổ tử cung. (Thanh Lan, 22 tuổi, TP HCM)
- PGS. Ths Tay Eng Hseon: Chào Lan, nếu tôi là một người phụ nữ, có những việc tôi sẽ làm để phòng tránh các loại ung thư ở phụ nữ như sau: Không hút thuốc, không quan hệ tình dục bừa bãi, tầm soát ung thư phụ nữ định kỳ (ung thư vú và ung thư phụ khoa), tránh các bệnh như: cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, đảm bảo chu kỳ kinh nguyệt ổn định, có 2 con hoặc nhiều hơn, nuôi con bằng sữa mẹ, dùng thuốc tránh thai... Chúc các chị em phụ nữ Việt Nam sẽ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe để tránh được các loại ung thư thường gặp ở nữ giới.
Đời Sống

Lạ miệng với món ăn từ cây cù nèo miền Tây

Dân miền Tây quê tôi thường “tếu” bằng câu ca: “Cù nèo mà lại muối chua/Ăn với cá rán chẳng thua món nào”, hoặc “Cù nèo xào mỡ khỏi chê/Ăn vào một miếng là mê tới già!”. Chẳng biết có phải là “ngoa ngữ” không, nhưng sau khi khám phá, mọi người đều đồng ý đó là sự thật!

Cù nèo (còn gọi là Kèo nèo) là loại cây hoang dại mọc khắp đồng bằng sông Cửu Long, hơi giống với cây lục bình (bèo Nhật Bản), nhưng sống bám cố định vào bùn đất chứ không trôi giạt như lục bình. Theo y học dân gian, cây cù nèo là vị thuốc chữa trị các chứng đau lưng, nhức mỏi, mát gan, lợi tiểu…; còn theo các bà nội trợ miệt vườn cù nèo là thức ăn không thể thiếu trong các bữa cơm đạm bạc.
Tùy theo cách chế biến, cây cù nèo góp phần làm “thăng hoa” hương vị các món ăn.
Trước hết là đọt cù nèo xào mỡ, bóp giấm. Cù nèo hái về, chọn lấy phần non (nõn) cắt khúc vừa đũa gắp, rửa sạch, để ráo. Phi mỡ tỏi cho thơm (nhiều tỏi càng ngon!) rồi đổ cù nèo vào. Dùng xạng đảo đều cho đến khi cù nèo vừa chín tới. Kế đến, nêm gia vị (đường + muối + bột ngọt) cho vừa khẩu vị, nhắc xuống (nhớ đừng để cù nèo mềm quá mất ngon!). Cuối cùng, múc cù nèo ra dĩa và rắc lên một ít hành lá xắt nhuyễn là xong.
Với cù nèo bóp giấm, người ta cắt cù nèo thành khúc ngắn vừa đũa gắp cho vào dĩa, và làm một chén giấm đường (hoặc nước cốt chanh) vừa khẩu vị rưới vào, dùng tay bóp nhẹ cho ngấm. Tất cả 2 món trên chấm với nước mắm tỏi ớt (hoặc với nước cá, nước thịt kho)…, ăn cùng với cơm nóng rất ngon.
Canh chua cù nèo cá thác lác.
Cầu kỳ hơn là món canh chua cù nèo cá thát lát. Nguyên liệu gồm: thịt cá thát lát nạo sẵn (200gram), thơm - dứa (1/2 trái), gia vị (ngò gai, hành, ớt…). Trước hết, cho thịt cá thát lát + đầu hành lá + ớt (xắt nhuyễn) + gia vị (muối, bột ngọt) + dầu ăn (1 muỗng cà phê) vào chén. Dùng muỗng tán nhiều lần để hỗn hợp được trộn đều và dai, vò viên tròn, dẹp vừa miếng gắp.
Kế đến, cho nước lạnh vào nồi nấu sôi, và cho me chín vào vợt lược nhúng vào nồi cho thịt me hòa tan (bỏ hạt), và cho dứa xắt miếng vào. Nêm nếm gia vị (muối + đường + bột ngọt + nước mắm) cho vừa ăn, và cho cá thát lát vào nấu chín. Sau cùng, cho cù nèo vào, nhắc xuống, múc ra tô (đừng để cù nèo mềm mất ngon), rắc vài nhúm ngò gai xắt nhuyễn dọn lên bàn cùng chén nước mắm nguyên chất trong đó có giầm ớt hiểm chín. Món nầy ăn nóng với bún (hoặc cơm) rất tuyệt!...
Bạn cũng không thể không nếm thử món cù nèo xào tép. Món này làm như sau: Tép được cắt đầu, râu, làm sạch. Cù nèo lấy phần non, xắt khúc vừa đũa gắp, rửa sạch để ráo. Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) thơm rồi đổ tép vào. Nêm nếm gia vi (muối + đường + bột ngọt) cho vừa ăn, xào chín. Sau đó, đổ cù nèo xào vừa chín tới. Nêm gia vị lần cuối, múc ra dĩa.
Để cho món ăn đậm đà hương vị và có màu sắc bắt mắt, bạn có thể thêm vào ngò rí, một ít tiêu xay, và làm chén nước mằm chanh, tỏi ớt. Món nầy ăn với cơm nóng cũng ngon khó tả.
Cù nèo xào tép.
Dù đi xa nơi phương trời góc biển nào, mỗi khi mùa lũ tràn về lòng tôi lại nhớ về quê nhà da diết. Và nhớ nhất đám cù nèo xanh biếc dưới mương đong đưa theo gió, trong đó điểm xuyết những cánh hoa màu vàng nhạt. Chính nơi ấy - ngày xưa - má cùng tôi thường ra hái cù nèo về chế biến món ăn. Cái vị ngọt, mềm, nhân nhẩn và mùi thơm “đặc trưng” của cù nèo như vương vấn mãi trong tôi, khiến tôi không thể nào quên được món ăn dân dã nơi vùng quê thân thương nầy.
Bài và ảnh Hữu Tưởng
Mời bạn đọc chia sẻ các món ăn ngon, lạ ở các vùng miền về doisong@vnexpress.net. Bài viết có nhuận bút.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger