Và bão Nesat đã vào biển Đông, trở thành cơn bão số 5 trong mùa mưa bão năm nay của nước ta.
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, đây là cơn bão mạnh, nếu tràn vào đất liền sẽ gây hậu quả nặng nề. Trong đó, điều lo ngại nhất là thời điểm dự kiến bão vào bờ cùng lúc với đợt không khí lạnh mới tràn vào các tỉnh miền Bắc. Sự kết hợp giữa hai hình thái thời tiết nguy hiểm này là hiện tượng hiếm gặp nhưng đã từng xuất hiện và gây mưa cực đoan trong lịch sử. Sự kết hợp này nếu xảy ra lần này, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ hứng chịu mưa lớn, có thể gây ra một đợt lũ muộn.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện bão số 5 mới gây ảnh hưởng đến vùng biển, chưa ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh đất liền. Khoảng ngày 30/9, khi cơn bão tiến gần đất liền, kết hợp với ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, các tỉnh miền Bắc, miền Trung xuất hiện mưa lớn, có thể gây ngập lụt.
Căn cứ vào ảnh chụp hướng đi của cơn bão cho thấy, cơn bão đang có hướng di chuyển tiến thẳng vào các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Tăng, cơn bão số 5 hiện còn xa bờ, có thể còn có sự thay đổi về hướng nên chưa thể xác định chính xác vùng tâm bão cũng như xác định Hà Nội có nằm trong vùng tâm bão hay không.
Miền Trung: 7 người thương vong và mất tích vì bão số 4 |
Trong đó, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 5 người chết và bị thương. Cụ thể, hai vợ chồng ông Phạm Thăng (SN 1962) và bà Nguyễn Thị Chung (SN 1970, trú phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy) chèo ghe đi đánh bắt cá thì bị mưa to gió lớn gây lật thuyền và cùng tử vong. Ba người khác (đều ở huyện Hương Trà) trong lúc chằng chống nhà cửa chống bão đã bị thương và hiện đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế.
Tại Phú Yên có 1 người chết, tại Quảng Nam có 1 cháu bé 7 tuổi mất tích. Cơn bão này cũng làm 41 ngôi nhà bị sụp, tốc mái; gần 4.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hỏng. Trong ngày 27.9, các tỉnh đã tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 4, đồng thời triển khai phương án đối phó với cơn bão mới đang tiến vào khu vực Biển Đông.
Tại Quảng Ngãi, tỉnh vẫn còn 23 tàu/335 ngư dân của địa phương đang ở khu vực Hoàng Sa trong khi bão số 5 đang tiến vào Biển Đông. Tại Quảng Nam, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết, địa phương cũng còn 49 tàu với gần 1.500 lao động đang ở trên biển. Đơn vị đang tăng cường lực lượng, kiểm soát không cho tàu thuyền ra khơi, đồng thời bố trí sắp xếp, neo đậu cho trên 2.000 phương tiện ở các bến bãi, bố trí sắp xếp các tàu vận tải và các tàu cá ngoài tỉnh tại Cù Lao Chàm đảm bảo an toàn.
Đến chiều 27.9, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn ở mức xấp xỉ báo động 2, riêng sông Ô Lâu đạt báo động 3. Các địa phương vùng trũng bị ngập sâu trong nước từ 0,3-1m, như Quốc lộ 4 qua xã Hương Vinh và tràn Thủ Lễ ngập 0,3-0,9m; Quốc lộ 49B qua các xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương ngập 0,5m.
Do mưa lớn nên sau khi thu hoạch lúa, người dân không thể phơi dẫn đến 1.200 tấn lúa bị lên mộng, nảy mầm. Có 80ha cá nước ngọt bị ngập, thiệt hại 80 tấn. Riêng huyện Phú Lộc có 610ha sắn và 85ha rau màu bị ngập nước, đổ ngã, ước tính thiệt hại 30%. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Pê Ke (xã Hồng Thủy) bị sạt lở ta luy dương 1.608m3; Quốc lộ 49A từ TP.Huế đi A Lưới bị sạt lở một số đoạn.
Do ảnh hưởng của bão số 4, gió lớn và triều cường đã làm sạt lở hơn 300m, sâu từ 10-20m ở khu vực bờ biển thôn Thái Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, huyện Hương Trà), ảnh hưởng đến 100 hộ dân đang sinh sống ở đây. Việc sạt lở này có nguy cơ mở một cửa biển mới thông vào phá Tam Giang, bởi ở địa điểm này chiều dài từ biển đến phá Tam Giang chỉ còn khoảng 70m.
Bão cực mạnh đã vào biển Đông, miền Trung đang ngập lụt |
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào lúc 16h, vị trí tâm bão số 5 trên khu vực phía Đông Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 310km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp14, cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 16 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão trên vùng bờ biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp14, cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy .
Trong khi đó, lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đang tiếp tục lên, các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang xuống chậm.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to.
Trong khi đó, lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên rất nhanh. Do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 30/9, dự báo mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,85m, vượt báo động 3 là 35cm.
Tại Quảng Bình, mưa lớn kéo dài đã khiến hàng chục ha lúa hè thu và cây màu của huyện Lệ Thủy chưa kịp thu hoạch bị ngập nước. Mặc dù nông dân nơi đây nổ lực “cứu vớt” nhưng khó tránh khỏi thiệt hại về sản xuất.
Ngoài ra, đoạn đường giao thông chạy dọc sông Kiến Giang (đoạn ngang qua thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy ) bị sạt lở với chiều dài chừng 20 mét. Tuyến đường 569 chạy dọc ven biển (đoạn ngang qua xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy) cũng bị nước lũ xé toang một đoạn dài khoảng 10 mét, một số tuyến đường liên xã, thôn đã bị nước ứ đọng tràn ngang qua đường.
Tuyến đường ven biển 569 bị nước lũ xé toang hàng chục mét.
Tại Quảng Trị, tính đến cuối giờ chiều nay, trên địa bàn tỉnh có 3.972 ha lúa, 500 ha hoa màu bị ngập. Một số vị trí ở bờ sông Thạch Hãn, Bến Hải, Ô Lâu bị sạt lỡ nghiêm trọng. Cầu tràn Ba Lòng, huyện Đa Krông bị ngập trên 2m gây chia cắt, không đi lại được. Cầu tràn Tà Rụt - A Vao bị sạt lở, hư hỏng. Ngoài ra đã ghi nhận, 2 trường hợp chết do mưa lũ và 1 trường hợp bị thương.
Tại Thừa Thiên Huế đã có 2 người chết và 1 người mất tích. Ngoài ra, trên địa bạn còn bị sạt lở kéo dài hàng chục km, trong đó nghiêm trọng nhất là bờ bắc cửa biển Thuận An, nước biển đã “ăn” sâu vào rừng phòng hộ hơn 30m.
Bờ biển xã Hải Dương, Thừa Thiên - Huế bị nước biển ăn sâu 30m, kéo dài hơn 500m.
Tại Quảng Nam: UBND tỉnh cho biết sẽ tiến hành cưỡng chế, sơ tán, di dời khẩn cấp 10 hộ dân với 28 nhân khẩu đang sống trong lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2 trước 28/9.
Tại Quảng Ngãi, hiện 35 tàu neo trú tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa vẫn giữ liên lạc với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dự kiến, 12 tàu với 155 ngư dân sẽ về đất liền vào sáng mai (28/9). Các ngư dân của 4 tàu đánh cá thuộc của Đà Nẵng và Quảng Ninh bị sóng đánh chìm, hư hỏng ... cũng đã được đưa vào đất liền an toàn. Tỉnh cũng đã di dời 26 hộ/125 khẩu trong vùng trũng thấp tại xã Tịnh Hòa và thị trấn Sơn Tịnh đến nơi an toàn.
Tại Đồng Tháp: Theo Ban phòng chống lụt bão tỉnh, tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, ngoài khu đê bao 400ha thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, hệ thống đê bao bảo vệ khoảng 2.250 ha lúa ở các xã Tân Phước, Thông Bình, Tân Hộ Cơ... đang có nguy cơ sạt lở cao. Tỉnh cũng đã dời 400 hộ lên các cụm tuyến dân cư, còn 617 hộ nữa đang chuẩn bị di dời để đảm bảo an toàn cho bà con tại các nơi dễ xảy ra ngập lũ.
Bà con xã Đa Phước, huyện An Phú (An Giang) tập trung gia cố bảo vệ tuyến đường 957. Tại An Giang: Nước lũ tiếp tục tràn qua một số tuyến đê uy hiếp vùng sản xuất lúa, hoa màu vụ thu đông ở xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú. Một cống của đê bao kinh 8 của xã bị xé gây rò rỉ nước. Lực lượng tại chỗ đã khắc phục kịp thời, sau đó gần 1.000 chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sư đoàn B330… được huy động dùng bao cát gia cố hơn 20km đê bảo vệ diện tích sản xuất. Nước lũ cũng làm ngập nhiều ao nuôi cá, ruộng hoa màu ở huyện An Phú.