Bị kéo lê trong một tai nạn giao thông, Lập mất toàn bộ "của quý" và da vùng bụng, đùi. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức vừa tái tạo dương vật mới cho chàng trai 18 tuổi này từ chính cẳng tay của anh.
Bác sĩ Đào Văn Giang, Khoa tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, tai nạn giao thông xảy đến với bệnh nhân Lập từ một năm trước. Gần đây, khi các vết thương đã liền sẹo, cậu mới nhập viện để tạo lại bộ phận sinh dục.
|
Một ca mổ nối dương vật tại BV Việt Đức. Ảnh do bác sĩ cung cấp. |
Vì toàn bộ vùng da bẹn, đùi của bệnh nhân đều bị tổn thương, thành sẹo sau tai nạn, các bác sĩ đã sử dụng da cẳng tay của Lập để "cuộn" thành hình dương vật mới, độn thêm phần sụn để đảm bảo chức năng cương, rồi chuyển xuống dưới bìu. Sau mổ hơn một tuần, tình trạng sức khỏe của Lập tốt, dương vật vẫn sống, song cần theo dõi thêm một thời gian.
Trước đó, khoa cũng từng tái tạo thành công cho một thiếu niên bị lóc hết da dương vật sau một tai nạn. Bệnh nhân là một học sinh cấp 3 ở Hà Nội, bị va xe máy vào một chiếc taxi và không may, chiếc bật lửa trong túi quần em phát nổ, khiến toàn bộ phần da bụng dưới và bộ phận sinh dục bị dập nát.
“Do phần da dương vật đã bay hết nhưng phần lõi bên trong vẫn còn, nên chúng tôi chỉ việc vùi phần lõi này vào da bìu, 3-4 tuần sau thì tách dương vật khỏi bìu, và một thời gian sau là bộ phận này sẽ có lớp ‘áo’ mới”, bác sĩ cho biết.
Theo bác sĩ Hà, nam giới khi bị đứt rời một phần “của quý” cần cố gắng bảo tồn tối đa phần còn lại, để sau này nối dương vật mới vào đó, kể cả khi bộ phận này bị mất hoàn toàn lớp da bên ngoài.
Với các trường hợp bộ phận này bị dập nát, hoại tử, hoặc mất hẳn do tai nạn, các bác sĩ sẽ tái tạo lại hoàn toàn.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, nam giới bị mất hoàn toàn dương vật không chỉ gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt (khó tiểu tiện...), ảnh hưởng tới các chức năng về tình dục, sinh sản mà còn rất mặc cảm, tự ti. Vì thế, việc tái tạo bộ phận sinh dục mới có ý nghĩa rất lớn với họ.
Ông cho biết, trước đây các bác sĩ thường dùng các chất liệu tạo hình "cậu nhỏ" tại chỗ tức là sử dụng ngay da vùng hông, bẹn hoặc đùi cuộn lại thành ống da rồi chuyển sang làm dương vật. Tuy nhiên, có những trường hợp vùng da tại chỗ đó cũng hoàn toàn không có, như khi bị mài, kéo lê hay bị bỏng, thì phải lấy da từ các vùng khác của cơ thể sẽ là sự lựa chọn duy nhất.
"Vùng da cẳng tay khá nhiều, đủ để tạo cả niệu đạo và dương vật. Ngoài ra, có thể độn thêm sụn để tạo ra độ cứng phù hợp, giúp bệnh nhân có thể sinh hoạt tình dục, sinh con (nếu còn tinh hoàn). Mạch máu vùng này cũng thuận lợi cho việc khâu nối vi phẫu", ông cho biết.
Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật rất khó đòi hỏi các bác sỹ có chuyên môn tay nghề cao, phải thực hiện qua nhiều khâu và như tất cả các ca phẫu thuật khác, phẫu thuật này vẫn có phần rủi ro, dù tỉ lệ thành công lên tới trên 90%.
Thông thường dương vật mới được tạo lại sẽ kèm theo một nhánh thần kinh cảm giác, khi đưa xuống bẹn, bìu thì thần kinh sẽ được khâu nối với nhánh cảm giác cũ của dương vật. Như vậy sau 3-6 tháng sẽ phục hồi lại một phần cảm giác. Còn về khả năng hoạt động thì nếu dương vật mới được cấy ghép một thanh sụn sườn hay sụn nhân tạo ở trong thì "có thể hoạt động cả ngày mà không biết mệt".
Minh Thùy
* Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi