Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Học bán trú ăn cơm hộp hay cơm tù?

Thấy phụ huynh phản đối cho trẻ ăn cơm hộp, có trường tiểu học ở Lào Cai ngừng ngay việc tổ chức ăn bán trú, khiến hàng trăm gia đình khốn khổ.

Vấn đề tưởng chừng rất đơn giản là việc tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú, nhưng đã trở thành bài toán nan giải ở thành phố Lào Cai khi một số trường tiểu học đưa cơm hộp vào "thí điểm" trong các bữa ăn trưa của học sinh.
Bước vào đầu năm học 2011 – 2012, các trường tiểu học ở Lào Cai đồng loạt không tổ chức nấu ăn trưa tại trường mà mua cơm hộp của một công ty tư nhân về cho học sinh. Sự việc này vấp phải sự phản ứng gay gắt của phụ huynh. Trước luồng ý kiến trái chiều đó, Sở Giáo dục – Đào tạo không thể “áp đặt” ngay lập tức lên các trường mà chọn một trường làm thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng mô hình “cơm hộp” đến cả cấp mẫu giáo! Thí điểm đầu tiên là ở trường tiểu học Lê Văn Tám.
Chưa nói đến chất lượng của “cơm hộp bán trú”, phụ huynh trường Lê Văn Tám bức xúc vì chính họ là người trả tiền cho dịch vụ (đóng tiền bán trú cho con) đáng lẽ họ mới có quyền quyết định cho con em mình ăn uống theo cách nào, nhưng ở đây họ lại phải chịu sự ép buộc từ phía nhà trường. Hiệu trưởng của trường này trong một cuộc họp nói rằng: nếu phụ huynh nào không muốn cho con mình ăn cơm hộp tại trường thì… tự đi mà giải quyết!

Không có phòng ăn, học sinh ăn ngoài hành lang.

Hiện nay, sự kiện “cơm hộp” hay "cơm tù" vẫn đang rất nóng ở Lào Cai. Tầm trưa, đi qua trường tiểu học Lê Văn Tám sẽ thấy cảnh tượng hỗn độn đập ngay vào mắt: Trong trường, mỗi nhóm ngồi một góc ăn cơm, ngoài trường thì phụ huynh, học sinh xúm đông xúm đỏ; xe cộ, râm ran tiếng kêu ca, chửi bới, học sinh chờ cha mẹ tới đón thì rủ nhau đánh bài, đu cột điện… Khó có thể tin nổi đây là một trường tiểu học nếu như không có cái biển trước cổng!
Học theo trường giàu Hà Nội?
Đi tìm khởi đầu của việc các trường tiểu học ở thành phố Lào Cai bỗng dưng thay đổi từ nấu cơm bán trú sang cơm hộp như vậy, bà Triệu Thị Trà, Hiệu trưởng trường tiểu Học Lê Văn Tám, cho biết: Dịp hè vừa qua, Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức một đoàn hơn 170 người gồm Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS trong tỉnh đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở Hà Nội và tỉnh Hải Dương.
Trong đó, hiệu trưởng bậc tiểu học đến tham quan tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) và được nghe giới thiệu về hình thức ăn bán trú theo suất do doanh nghiệp (Công ty Sao Việt) cung cấp. Nhiều thành viên trong đoàn thấy cách này hay, văn minh và không có chuyện bếp núc lịch kịch trong trường, lại phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xu hướng thành phố hiện đại... Sau chuyến đi, Sở yêu cầu viết bài thu hoạch, và điều tâm đắc nhất được đưa vào bài thu hoạch của nhiều người là ăn bán trú theo suất.
Vậy là đùng một cái, bước vào năm học 2011 – 2012, các trường đồng loạt triển khai “cơm hộp” khiến phụ huynh “ngã ngửa”, với rất nhiều lý do: Để các thầy cô giáo chuyên tâm vào chuyên môn; yêu cầu xây dựng trường học theo “chuẩn” ngày càng khắt khe, chặt chẽ; diện tích trường chật hẹp; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ rất cao nếu vẫn tự nấu tại trường; rèn luyện tác phong công nghiệp cho học sinh...
Không rõ vì lý do, nguyên nhân gì mà ý tưởng “cơm hộp” được lãnh đạo các trường tiểu học ở thành phố Lào Cai nói riêng và lãnh đạo Phòng Giáo dục thành phố cũng như lãnh đạo Sở Giáo dục Lào Cai đồng thuận rất cao, có thể nói là cao nhất từ trước đến nay đối với một chủ trương trong ngành giáo dục ở Lào Cai. Ngay từ buổi họp phụ huynh đầu tiên của năm học mới, hiệu trưởng các trường đều nêu vấn đề này với những định hướng “cơm hộp” cho phụ huynh.
Tuy nhiên, do phụ huynh phản ứng dữ dội nên nhiều trường đã tổ chức nấu cơm tại trường như những năm học trước, nhưng vẫn có trường kiên quyết với “lập trường” này. Điển hình là trường tiểu học Kim Đồng (phường Cốc Lếu), khi phụ huynh không đồng tình “cơm hộp” liền “dừng toàn diện và ngay tại trận” việc cho học sinh bán trú ăn cơm trưa tại trường và đến nay vẫn chưa thể tổ chức lại việc này, khiến hàng trăm gia đình phụ huynh khốn khổ.
Về phần mình, ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đã bày tỏ quan điểm ủng hộ “cơm hộp”. Trao đổi với chúng tôi, mặc dù cho rằng để học sinh trường tiểu học Lê Văn Tám phải học tập trong nỗi thấp thỏm, lo âu là điều đau xót mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về Giám đốc Sở Giáo dục, nhưng tiện thể ông cũng nói luôn: “Ngành giáo dục mới chỉ kiểm soát được bữa ăn tại các trường dân tộc nội trú, còn các hình thức ăn khác thì bó tay. Chúng tôi phải tìm lối thoát, giống như Hà Nội, họ đã tìm đến Công ty Sao Việt cung cấp cơm hộp cho học sinh...”.
Không ăn thì... tự giải quyết!
Ở Lào Cai cũng như những nơi khác, phản ứng của phụ huynh học sinh với nhà trường thường diễn ra kín đáo, né tránh. Nhưng vụ “cơm hộp” ở trường tiểu học Lê Văn Tám, phụ huynh đã công khai phản đối, công khai bày tỏ ý kiến, quan điểm với hiệu trưởng, với ban giám hiệu, với giáo viên và trước báo chí. Tại cuộc họp phụ huynh của trường Lê Văn Tám diễn ra ngày 24/9 vừa qua, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh, trong đó ý kiến phản đối “cơm hộp” chiếm gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, sau cuộc họp này, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn kiên quyết: Không ăn cơm hộp thì phụ huynh tự đón con buổi trưa.
 
Một số học sinh tụ tập đánh bài ngoài cổng trong lúc chờ cha mẹ đón đi ăn trưa.

Trường tiểu học Lê Văn Tám là trường đầu tiên ở thành phố Lào Cai triển khai bếp nấu bán trú tại trường (từ năm học 1996 – 1997). Lý giải cho việc dừng nấu ăn bán trú tại trường, bà Triệu Thị Trà, Hiệu trưởng phát biểu tại cuộc họp phụ huynh ngày 24/9 vừa qua, gây phẫn nộ trong phụ huynh học sinh: "Công tác bán trú được Bộ Giáo dục – Đào tạo khuyến khích nhưng không phải là hoạt động bắt buộc đối với các nhà trường. Hơn chục năm qua, chúng tôi đã tự buộc thòng lọng vào cổ mình, nay là lúc phải tháo ra..."
Chị Phương, Phó ban đại diện cha mẹ học sinh một lớp của trường Lê Văn Tám, kể: "Lúc đầu, nhà trường bảo cho các cháu ăn cơm hộp buổi trưa, mình nhất trí. Nhưng ngay bữa đầu, mình đã thấy không chấp nhận được, nên không cho con ăn tại trường nữa. Tuy nhiên, vì trách nhiệm, mình vẫn theo dõi tiếp các bữa ăn sau và thấy món chủ đạo là thịt băm xay từ các loại thịt lợn hỗn hợp, không như trước đây là thịt nạc vai hoặc thịt thăn băm... Ca đựng canh là loại ca nhỏ, sâu, thẳng nên rất khó rửa. Nhà tôi kinh doanh giải khát, mỗi ngày rửa vài chục chiếc cốc giống thế nên tôi biết, không hiểu hàng trăm chiếc ca kia họ rửa kiểu gì, nên rửa ẩu là khó tránh khỏi, rồi còn rau và thực phẩm khác".

Chị Phương kể tiếp: "Lúc đầu công ty cung cấp cơm suất nói có xe bảo ôn vận chuyển cơm canh (công ty này đóng tại một nơi khá vắng vẻ, gần mỏ apatít, cách trường khoảng 6 km), mình tưởng xe bảo ôn thế nào, hóa ra họ cho cơm vào thùng to rồi cho lên ô tô chuyển đến trường, sau đó hạ thùng cơm xuống từng đầu nhà lớp học, xúc ra chia suất cho học sinh ăn. Tôi giật mình tự bảo không bao giờ chấp nhận cho con ăn kiểu này. Nấu thế nào mình không biết nhưng riêng công đoạn chia cơm đã không đảm bảo vệ sinh".
Ý kiến của chị Phương cũng là ý kiến của đại đa số phụ huynh của trường tiểu học Lê Văn Tám. Nguyên nhân khiến họ không đồng tình với cơm hộp tựu trung là chất lượng suất ăn không đảm bảo, thức ăn đơn điệu; nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng (mặc dù công ty nọ khẳng định rau, lợn, gà là do họ tự nuôi trồng), nguồn nước không đảm bảo vệ sinh do nơi đó có mỏ khoáng sản, gần bãi tha ma, cơm canh nguội lạnh (9h30 sáng cơm canh đưa đến trường, sau đó chia suất để khi tan học cho học sinh ăn); giá thành cao (15.000 đồng/suất)...
Ông Hán Đức Dương, Phó trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường tiểu học Lê Văn Tám, khẳng định: "Nếu vì lý do nhà trường tập trung vào việc giảng dạy, thì việc cơm nước nên dành cho cha mẹ học sinh đảm nhiệm. Nhà trường cứ việc giảng dạy, hết giờ các thầy cô cứ về, cơm nước để phụ huynh tự lo! Cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, phụ huynh đã bàn bạc và sẵn sàng đóng góp cùng nhà trường giải quyết".
“Giá cả tăng cao nên chúng tôi sẵn sàng tăng tiền đóng góp cho khẩu phần ăn. Mọi khoản đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất, từ bàn học, từ cái trống, chiếc bảng, đến tiền mua chăn chiếu, tiền thuê cô nuôi, bảo vệ, dọn vệ sinh, kể cả toàn bộ đồ dùng trong bếp... là do chúng tôi đóng góp, thì chúng tôi đâu nề hà gì khi nộp thêm tiền để con em mình được ăn uống tốt hơn” – chị Hiên bức xúc.
Tuy nhiên, ý kiến của đại đa số phụ huynh đã không được nhà trường đồng tình, nên sau khi kết thúc hai tuần thí điểm, “cơm hộp” vẫn được đưa vào trường, chỉ có điều là từ gần 1.000 suất ăn ban đầu, giảm còn hơn 400 suất.
Nhiều người vẫn phải cho con ăn cơm hộp tại trường cho dù không muốn, lý do hết sức đơn giản là hiện nay, các cơ quan của tỉnh Lào Cai đã chuyển về làm việc tại khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường (cách trường Lê Văn Tám gần 10 km), đường sá xa xôi, chưa kể mưa gió, nắng nôi. Một số phụ huynh vẫn bố trí về đón con buổi trưa. Những ngày gần đây, nhà trường đã “nhượng bộ” phần nào khi cho phụ huynh muốn thế nào tùy ý, nên có người cho con ra ngoài (hoặc đưa về nhà) ăn rồi quay vào trường ngủ trưa, có người lại mua cơm đem vào trường cho con ăn, lại có cháu xách cơm ở nhà đến từ sáng... Trong trường, mỗi nhóm ngồi một góc ăn cơm, ngoài trường thì tấp nập phụ huynh, học sinh, xe cộ, râm ran tiếng kêu ca, chửi bới, cảnh tượng vô cùng hỗn độn.
Theo Phunutoday

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger