Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Phụ huynh Hà Nội hoang mang vì trẻ tử vong do tay chân miệng

Trường Mẫu giáo số 5, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội vốn náo nhiệt với hơn 400 trẻ thì nay trở nên yên tĩnh một cách lạ thường sau khi có tin một học sinh của trường tử vong vì tay chân miệng. Cả trường chỉ còn 52 bé đi học.

Bà Đỗ Thị Bích Vân, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo số 5, cho biết, ngay chiều 20/9, khi có tin trẻ tử vong vì mắc tay chân miệng, y tế phường, quận đã xuống phun thuốc diệt khuẩn toàn trường, đồng thời cùng giáo viên tổng vệ sinh từng đồ chơi, chân bàn, chân ghế.
"Nhiều người dân đi qua thấy tự dưng phun khử trùng cả trường, nghĩ chắc có dịch gì đấy, rồi lại nghe tin có trẻ tử vong nên số học sinh của trường giảm rõ rệt. Ngay sáng 21/9 chỉ còn 280 cháu đi học, đến hôm sau chỉ còn 126, hôm nay thì chỉ còn 52 bé, chỉ gần bằng sĩ số của một lớp trước kia. Lớp nào cũng có em đi học nhưng chỉ lác đác", bà Vân buồn bã nói.
Cũng theo bà, giáo viên của trường gọi điện đến từng nhà để theo dõi sức khỏe của các cháu nghỉ. Đến nay chưa có một trường hợp trẻ nào khác bị bệnh, có cháu sốt nhưng chỉ là sốt dịch, viêm họng. Trước đó, nhà trường chưa từng có trẻ bị tay chân miệng.
Ảnh: Nam Phương.
Lớp mẫu giáo lớn trường Mẫu giáo số 5, có 62 học sinh thì nay chỉ có 9 em đi học. Ảnh chụp sáng 23/9: Nam Phương.
"Chiều thứ 6 tuần trước (ngày 16/9), cháu vẫn đi học, ăn uống bình thường, thấy cháu hơi buồn cô giáo có hỏi bị làm sao thì cháu nói là mệt. Sáng hôm sau thì cháu nghỉ học", bà Vân cho biết.
Theo lời kể của gia đình thì bố mẹ có đưa con đến Bệnh viện Xanh Pon khám, lúc đó cháu chỉ hơi sốt 37 độ 5, họng không vấn đề gì, tay chân không có nốt gì, nên được cho về nhà theo dõi tiếp. Đến sáng thứ 7 sốt 38 độ 3, gia đình lại đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương làm xét nghiệm và nằm viện. Không ngờ đến thứ 4 thì nhà trường nhận được tin dữ.
Bà Vân cho biết, qua trường hợp này, nhà trường cũng rút kinh nghiệm, kết hợp với gia đình chặt chẽ hơn nữa, tuyên truyền đến phụ huynh. Các cô theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của các cháu, sốt nhẹ cũng không nên coi thường, cho đi khám ngay, để hạn chế nguy cơ.
Ngay sau thông tin về em bé đầu tiên ở Hà Nội bị tử vong vì bệnh tay chân miệng, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của con.
Chị Thục Chi (phố Trần Bình, Hà Nội) cho biết, cô con gái 3 tuổi của chị mới đi học được nửa tháng, tại một trường công gần nhà, mà sĩ số lớp lên tới 81 em, nên lòng chị rất thấp thỏm. "Lớp đông như vậy, các con lại còn bé thế, thì làm sao các cô đảm bảo vệ sinh cho được. Nhưng lo thì lo vậy thôi, mình cũng chẳng biết làm thế nào, vẫn phải cho con đi học đều để cháu quen trường, quen lớp", chị thổ lộ.
Ảnh: Nam Phương.
Cả trường có hơn 400 trẻ mà giờ chỉ còn 52 cháu đi học. Ảnh: Nam Phương.
Cũng có con đang học mầm non tại quận Cầu Giấy, chị Oanh (Nghĩa Tân, Hà Nội) cho biết, bình thường, cứ đến giai đoạn giao mùa như bây giờ là con chị đã dễ ho, sổ mũi nên chị rất lo cháu có thể nhiễm thêm bệnh tay chân miệng. "Con mình sức đề kháng đã kém, mà lỡ nhiễm virus gây bệnh này nữa thì không biết sẽ ra sao", chị nói.
Trên một số diễn đàn về chăm sóc trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cũng bàn tán xôn xao về trường hợp tử vong mới đây, đồng thời chia sẻ những cách nhận biết và phòng chữa bệnh.
Thành viên có nich Linda&Alex; trên Webtretho cho biết, hè năm ngoái, khi ở nhà với bà, con chị cũng bị bệnh tay chân miệng nhưng ở thể nhẹ, chỉ cần uống kháng sinh, bôi thuốc một tuần là khỏi. "Năm nay con lại đi học rồi, càng lo hơn! Chiều về đón con phải dặn cô chú ý mới được", chị bày tỏ.
Trên topic về bệnh tay chân miệng, nhiều mẹ tỏ ra lo ngại khi biết thông tin về loại virus EV71 dễ gây biến chứng khi mắc tay chân miệng.
Gửi thư về Vnexpress.net hôm qua, một độc giả tên Giang cho biết, con chị từng mắc tay chân miệng và chị đã cho con đi khám, làm xét nghiệm EV và EV71 ở Bệnh viện nhi trung ương nên muốn chia sẻ ý kiến để giúp những người có con có dấu hiệu mắc bệnh phải đi xét nghiệm kịp thời. Theo chị, nếu trẻ có dấu hiệu bị tay chân miệng, thì phải đưa đi xét nghiệm ngay, không chỉ yêu cầu xét nghiệm EV mà phải xét nghiệm luôn cả EV71 cùng một lúc (mặc dù có thể phải gấp đôi tiền xét nghiệm).
Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Nhật An, Trưởng khoa lây, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, thực tế, chỉ cần khi khám lâm sàng và kết luận là trẻ mắc tay chân miệng, các bác sĩ đã cho bệnh nhân điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế cho thể nặng nhất, chứ không đợi kết quả xét nghiệm, sau đó, nếu kết quả âm tính với các chủng virus như EV hay EV71 thì sẽ điều chỉnh thuốc sau. Bởi vậy, không có chuyện vì xét nghiệm không kịp thời mà ảnh hưởng tới tình trạng bệnh và tính mạng bệnh nhi.
Ông cho biết, EV là nhóm nhiều loại virus, trong đó EV71 có độc lực mạnh hơn, dễ gây biến chứng nặng.
Hiện nay, không phải chỗ nào cũng thực hiện được xét nghiệm EV71, hơn nữa, đây là loại xét nghiệm khó và đắt tiền hơn rất nhiều, nên khi quyết định có thực hiện hay không phải được cân nhắc kỹ. Thông thường, trong quy trình xét nghiệm cho bệnh nhân nghi tay chân miệng, nếu xác định là dương tính với EV thì sẽ tiếp tục làm tiếp phân đoạn xét nghiệm EV71, ngược lại, kết quả là âm tính thì ngừng.
Bác sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cũng cho rằng, các bậc phụ huynh không nên hoang mang trước diễn biến bệnh tay chân miệng và nếu con bị bệnh không cần thiết phải làm nhiều xét nghiệm.
Ông cho biết, việc thực hiện xét nghiệm tìm EV71 thực sự chưa có ý nghĩa nhiều bởi hiện nay không có thuốc gì điều trị đặc hiệu. Điều quan trọng là giúp con phòng bệnh và theo dõi tiến triển để đưa trẻ đi khám kịp thời. Khi con đã mắc bệnh rồi thì cần xác định bệnh thuộc thể nào, mức độ có tiến triển không. Nếu trẻ vẫn ăn, chơi ngoan, không sốt thì có thể chăm sóc con tại nhà, giữ gìn vệ sinh thật tốt. Còn khi thấy con sốt cao liên tục, nổi các nốt ban đỏ, cần đi khám. Nhất là khi trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật, rét run thì cần đặc biệt quan tâm.
"Sự cảm nhận của người mẹ là chính xác nhất. Nhiều khi đi khám, bác sĩ cũng không cảm nhận được những cơn run người của trẻ do thời gian tiếp xúc với bệnh nhi rất ngắn. Bởi thế, khi chăm sóc con ốm ở nhà, bố mẹ cần theo dõi sát sao, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn", ông Điển nói.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị hơn 240 trẻ mắc tay chân miệng. Đa số ở thể nhẹ, một số trường hợp có biến chứng viêm phổi, viêm não. Trong hai tháng 8,9, có 80 ca mắc nhập viện, trong đó có 3 trường hợp dương tính với chủng virus EV71.
<>Minh Thùy - Nam Phương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger