Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Mỗi tuần vẫn có hơn 2.000 trẻ mắc tay chân miệng

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y Tế, trong tuần cuối tháng 9 đã có 2 trẻ tử vong do mắc tay chân miệng ở Kiên Giang và Cà Mau. 

Trong tuần 39/2011, cả nước ghi nhận 2.091 trường hợp mắc tay chân miệng tại 51 địa phương. Một số tỉnh có số mắc tay chân miệng cao như Đồng Nai 267 ca, TP. HCM 235 ca, Đồng Tháp 175 ca, Hòa Bình 142 ca... Tính tích luỹ từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 61.805 trường hợp mắc tay chân miệng tại 61 địa phương trong đó đã có 114 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố.
Các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm 69,1% số mắc và 89,5% số tử vong của cả nước. Các trường hợp tử vong xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi là hơn 80%. Các tỉnh, thành phố có tử vong do bệnh tay chân miệng cao nhất tại khu vực phía Nam là: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Tiền Giang; khu vực miền Trung là: Quảng Ngãi.
Tại miền Bắc, 26/28 tỉnh/thành phố ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Thanh Hoá với 2.161 trường hợp mắc. Không có ổ dịch lớn.
Cục y tế dự phòng cảnh báo, dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới. Có thể vẫn gia tăng số mắc, tử vong vì theo thống kê hàng năm bệnh tay chân miệng tăng cao từ tháng 9 đến tháng 11. Trong 1,5 tháng gần đây, số ca mắc tay chân miệng vẫn ở mức khoảng 2.000 ca/tuần.
Bệnh tay chân miệng lây truyền do vi rút đường ruột, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp. Vì vậy, để phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của bậc cha mẹ.
Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc đã phát hơn 22 tấn Chloramin B tới các địa phương để phục vụ công tác phòng chống bệnh dịch. Ngày 29/9, Cục Quản lý dược cũng đã chỉ đạo các Sở, các đơn vị kinh doanh dược có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ thuốc trong thời kỳ phòng chống thiên tai, lụt bão và dịch tay, chân miệng để đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh.
mai phương
Theo Bưu Điện Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger