Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Vô vàn sản vật tươi ngon của sông Trường Giang

Quảng Nam có con sông chạy song song bờ biển, qua Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, nối cửa biển Kỳ Hà với Cửa Đại, Hội An; có khoai lang Trà Đõa, canh bầu nấu hào …


Sông dài hơn 70 cây số, luôn trong xanh và tựa hồ chưa có bàn tay con người làm vẩn đục. Dọc hai bên sông là những làng chài, ruộng lúa, rừng dừa xanh ngát và nhiều chợ quê sầm uất từ lâu đời như chợ Lạc Câu, chợ Bà, chợ Được, chợ Tây Giang, chợ Bến Đá... Tôi theo bạn về vùng cát Thăng Bình, ăn một bữa khoai lang Trà Đõa với canh bầu nấu hào. Và câu chuyện về loại nhuyễn thể này bắt đầu rôm rả...
 

Khoai lang Trà Đõa.
 
Điều đặc biệt là ngoài tôm, cá, Trường Giang lại là một kho tàng vô tận các loại ốc, hến, ốc, hào (hàu sông). Thịt hào nước lợ sông Trường Giang nổi tiếng ngon ngọt, thường được dùng dưới dạng thức ăn như nấu canh với các loại rau vườn hoặc cháo. Cả vỏ và thịt hào đều có vị thuốc. Hồi nhỏ, đi học về, tôi nhảy xuống sông mấy phút bắt hào là có ngay nồi canh nấu rau lang ... 
 
 
“Cứ nói theo các thầy Đông y, vỏ hào có tính hơi lạnh, tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, giảm đau; thịt hào có vị ngọt, tính ấm, không độc, tác dụng hạ áp, lợi tiểu, trừ nóng khát, hư tổn ...”, tôi nhớ đã đọc đâu đó.
 
Nói chuyện Đông y là trúng ngay “cái tủ" của ông bạn. Mà cha này lại khá sành ăn, nên giải thích luôn: “Hào sông được dùng làm thuốc chữa chúng ra mồ hôi trộm, chữa ngọc hành sưng đau ở trẻ em, mộng tinh, di tinh, dạ dày, tăng huyết áp và suy gan ở người lớn. Con hào có chứa protein, carbohydrates, chất béo và nhiều vitamin  như  A, B1, B2, B3, C, D giúp chống lại mệt mỏi, tăng khả năng chống viêm của cơ thể và tăng cường quá trình trao đổi chất.
 
Dân gian coi món ăn chế biến thịt hào có khả năng tăng cường sinh lý nam. Các nhà phân tích dinh dưỡng xác nhận nó chứa rất nhiều chất khoáng như magiê, canxi, đồng, sắt, mangan, phốt pho, iốt, kali và natri nên tốt cho toàn cơ thể và đặc biệt chứa nhiều chất kẽm, mà nếu cơ thể thiếu kẽm thường sẽ dẫn tới chứng bất lực và thiếu ham muốn trong chuyện gối chăn ...
 
“Hèn gì, ông làm một loạt được mấy...củ bùi!”, tôi chen vô.
 
Ông bạn cười sặc cả muỗng cháo hào đang ăn ...
 

Bát cháo hào thật nhiều ớt theo kiểu miền Trung.
 
Đi dọc các tuyến đường vùng cát hoặc các chợ phía Đông huyện Thăng Bình trong những ngày hè, rất dễ nhận ra những chỗ bán hào nguyên vỏ hoặc thịt hào làm sẳn.
 
Các em nhỏ ở khu vực các xã Bình Dương, Bình Minh cũng làm sẳn thịt hào để bán cho khách vãng lai dọc con đường bê tông liên xã rộng thênh thang. Các em lấy riêng thịt hào, ngâm nước trong cái thau nhỏ. Bình quân mỗi thau khoảng một ký.Mỗi ký hào tươi từ 2 đến 30 ngàn đồng, tùy con nhỏ hay lớn... Thấy tôi ngây ngô, có em còn hướng dẫn cách xào nấu với các loại gia vị hoặc nấu cháo hào với hành lá, rau húng để ăn giải nhiệt ...
 
“Nhưng chú nhớ không dùng nước mắm nghe! Có nước mắm, cái dị (vị) nó chát lắm!”, một em dặn đi dặn lại.
 
Tôi mang túi hào 2 ký về nhà. Chiều, xào một đĩa bự, rủ con trai và vợ nhậu. Sáng hôm sau chơi một nồi cháo nóng bụng. Lại còn một tô nóng mang cho ông nội đang ốm...
 
Hào Trường Giang mát thấu gan thấu ruột! Cả nhà tôi ai cũng khen. “Ông con” tôi lại bình luận theo giọng cán bộ quản lý: “Chỉ tiếc, nguồn lợi rứa mà đi dọc Trường Giang không tìm ra hàng quán bán món hào ni để quảng bá món đặc sản địa phương. Người khai thác hào chỉ biết đem từng dúm ra chợ hoặc bán rẻ rề cho đầu nậu..."

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger