Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

2800 tỷ đồng cho bảo tàng và những con số nhức nhối

2800 tỷ cho bảo tàng, 410 tỷ xây tượng đài Mẹ Việt Nam, 31 tỷ tu bổ chùa Một Cột, hơn chục tỷ đồng cho chợ tạm bỏ hoang,... là những con số gây xôn xao dư luận gần đây.

Con số đầu tiên: 410 tỷ cho dự án tượng đài khổng lồ

UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định bổ sung 330 tỷ đồng cho dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất nước, nâng tổng vốn lên gấp 5 lần so với kinh phí phê duyệt ban đầu là 81 tỷ đồng, đưa tổng chi phí dự án lên tới 410 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc tăng kinh phí này là do UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của Trung Ương về việc chi ngân sách sao cho xứng với công trình cấp quốc gia như vậy.

Mô hình của công trình.

Trước việc điều chỉnh vốn đầu tư nói trên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, người dân cho rằng, xây dựng tượng đài ghi công mẹ Việt Nam anh hùng là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải quá hoành tráng, tốn kém đến hàng trăm tỷ đồng. Không ít người dân nhức nhối bày tỏ quan điểm của mình. "Đất nước ta còn nghèo, còn rất nhiều người già neo đơn không ai chăm sóc, sao ta không lấy số tiền đó để lo cho các cụ," một độc giả chia sẻ. Hoặc bức xúc hơn nữa, là: "Còn đó hàng triệu trẻ em nghèo, những gia đình bị ảnh hưởng từ chất độc màu da cam... Môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề sao không để tâm vào. Phải chăng quý vị kiếm ra tiền dễ hơn những người dân đen như chúng tôi".

Thiết nghĩ, số tiền chi ra cho dự án lớn như vậy nên được cân nhắc lại, để cân đối chi phí và cung cấp nguồn hỗ trợ cho những đối tượng chính sách thiết thực. Bởi xây dựng được một tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng trong tâm khảm của người Việt và gieo ý niệm đẹp đẽ đó cho thế hệ mai sau mang ý nghĩa lịch sử và cấp bách hơn rất nhiều trong xã hội hiện nay, khi một bộ phận người dân đang xuống cấp đạo đức nghiêm trọng với những vụ án không coi trọng sinh mạng đang nhan nhản trên báo chí.

Con số thứ 2: 2800 tỷ để hoàn thiện Bảo tàng Hà Nội

Theo UBND Hà Nội, tổng chi phí đầu tư phần nội dung trưng bày của Bảo thàng Hà Nội là hơn 775 tỷ đồng, cấp từ nguồn vốn ngân sách. Thời gian hoàn thiện nội dung trưng bày của bảo tàng kéo dài đến tháng 12/2014. Trước đó, trong cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Xây dựng cho biết, mức đầu tư xây lắm thiết bị cho Bảo tàng Hà Nội hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, với tổng chi phí đầu tư cho công trình này là gần 2.800 tỷ đồng, với mục đích xây dựng Bảo tàng Hà Nội có phong cách riêng, mang đậm nét văn hóa Hà Nội, không trùng lặp và sao chép các hình thức trưng bày của bất cứ bảo tàng nào khác.

Mô hình bảo tàng.

Độc giả lại tiếp tục bức xúc với mức giá tu bổ khủng khiếp như vậy: "Tu bổ nâng cấp là cần thiết, nhưng con số đó lớn quá, sao không rót bớt tí qua cho bệnh viện nhỉ? Thấy bên ấy đang đòi tăng giá quá. Bảo tàng cũng tốt nhưng cái nào cần hơn ta? Hay là như vụ mấy nghìn tỉ của đại lễ Thăng Long? Rót xong, qua lễ là mọi thứ tùng xèng
hết
."

"Dân tộc nào thì cũng phải trân trọng lịch sử mới tiến được. Nhưng nếu cứ xây quá nhiều bảo tàng, suốt ngày để lịch sử trước mặt, nó - cái cũ kỹ - sẽ che mất con đường tiến lên. Cái gì quá cũng không tốt," ý kiến của độc giả.

Con số thứ 3: 31 tỷ đồng dùng để tu bổ chùa Một Cột

Theo cơ quan chức năng, ngôi chùa gần 1.000 tuổi sẽ được tu bổ tam quan, tam bảo, nhà mẫu, tháp tổ, mái chùa, bậc thang lên chùa; cải tạo đường dạo, cây xanh, điện chiếu sáng, tường hoa quanh hồ... do sự xuống cấp của kiến trúc thời xưa gây ngập úng, mưa dột.

Dự kiến, tổng đầu tư cho việc tu bổ chùa Một Cột là hơn 31 tỷ đồng và sẽ được triển khai trong năm 2012, hoàn thành vào quý 1/2013. Với con số này, dù mục đích chi tiêu là hợp lý và có giá trị lâu dài cho các thế hệ sau, nhưng nó cũng khiến không ít người dân nhức nhối. Bởi ngân sách rút ra cũng một phần từ thuế do dân đóng góp, nên những phản hồi ngược lại với bản dự thảo này cũng là điều dễ hiểu. "Chùa Một Cột có giá trị về lịch sử, không ai phủ nhận, nhưng nếu xây mới hoàn toàn thì có đến 31 tỷ đồng không?", một độc giả phát biểu.

Con số thứ 4: Hơn 10 tỷ để xây chợ, sau đó bỏ hoang

Khánh thành đã hơn một năm với số vốn hơn chục tỷ đồng, nhưng đến nay chợ tạm Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) không được sử dụng, bị xuống cấp và trở thành nơi nuôi nhốt gà, chỗ ở tạm của người rửa xe...

"Vẫn còn một chợ tạm nữa ở đường Nguyễn Phong Sắc (gần học viện Nguyễn Ái Quốc) có từ nhiều năm nay, không hoạt động, đầu tư không hiệu quả, lãng phí tiền của nhà nước trong khi đường Phan Văn Trường chặn lại xây chợ gây ùn tắc giao thông," độc giả bức xúc.

Chợ tạm bỏ hoang giữa lòng Hà Nội.

Trước sự lãng phí đó, nguyện vọng của số đông người dân luôn là hi vọng các cơ quan chức năng làm ro ràng, minh bạch, có hệ thống khoa học để tránh việc thất thoát ngân sách quốc gia một cách vô lý: "Trước khi xây dựng cái gì cũng nên bám sát nhu cầu thực tế của địa phương cũng như nguyện vọng của người dân, chứ làm theo kiểu chủ quan duy ý chí, làm cho có, cho đạt kế hoạch trên giao, cuối cùng rồi cũng bỏ không," chia sẻ của độc giả.

Con số thứ 5: 1200 tỷ cho dự án thu phí ô tô đi vào nội ô TP HCM

"Đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt để hạn chế bớt tình trạng ùn tắc. Về lâu dài, thành phố phải hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như quy hoạch đô thị hợp lý. Đây mới là biện pháp chiến lược để đối phó với tình trạng quá tải giao thông hiện nay", cơ quan chức năng cho hay.

Bức xúc với lời giải thích này, TS. Phạm Xuân Mai cho biết: "Ở ta chưa có bãi đỗ xe ngầm, giao thông công cộng cũng chưa tốt nên dù có thu phí thì người dân sẽ vẫn vào trung tâm thành phố. Khi đó không thể nói việc thu phí sẽ giảm ùn tắc. Thành phố chỉ nên thực hiện việc thu phí khi nào có các giải pháp đồng bộ mới có thể kéo giảm ùn tắc giao thông tại TP HCM được."
Khu vực nội ô bị thu phí.

Còn ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM nêu, việc thu phí sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp taxi, vì taxi cũng là một phương tiện công cộng. Ngoài tiền phí trả taxi, khách hàng còn phải chịu thêm tiền phí vào trung tâm nữa.

Thêm nữa, việc thu phí rất có thể dẫn đến việc giá cả bị đội theo, vì các loại phương tiện như xe taxi, xe tải chở hàng vào trung tâm sẽ tăng chi phí khi đó hàng hóa cũng sẽ tăng giá theo gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. "Thu phí để giảm kẹt xe hoàn toàn không phải là một giải pháp hay và theo tôi khó mà thành công như tính toán của nhà đầu tư", ông Lê Hiếu Đằng cho biết.

Trên đây cũng là những băn khoăn mà người dân muốn chia sẻ với cơ quan chức năng. "Rồi tiền thu được lại đi đâu về đâu, có dám làm bảng điện tử công khai số tiền thu được mỗi ngày không? Điều này phải do dân bàn, dân làm, dân biết và kiểm tra chứ! Xe chỉ kẹt giờ cao điểm, tại sao phải thu phí từ 6h-20h? Bắt chước Singapore ư, hạ tầng giao thông công cộng VN có như họ? Ở Singapore, trung tâm người ta chỉ là trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng, trên một khu vực hẹp; giao thông chủ yếu là ôtô, xe buýt, xe điện; có đường vành đai để không phải đi ngang qua trung tâm. VN có đủ các điều kiện như Sing để bắt chước họ thu phí?"



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger