Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Công sở “hoa mắt” vì săn phiếu giảm giá

Cơn bão “bán hàng đa cấp”, “tivi shopping” vừa qua đi, cơn lốc săn hàng giảm giá – mua chung lại khiến chị em công sở “ù tai hoa mắt” sau hàng giờ ngồi bấm chuột, căn giờ mua vouchers…

Là “tín đồ” của những trang mạng thông tin và dịch vụ, dân công sở rất dễ hòa nhập vào các trào lưu “cũ người mới ta”. Vừa mới cơn bão “bán hàng đa cấp”, “tivi shopping”  qua đi, cơn lốc săn hàng giảm giá – mua chung giá rẻ lại khiến không ít chị em công sở “ù tai hoa mắt” sau hàng giờ ngồi bấm chuột, căn giờ mua coupon, vouchers… với mong muốn “dùng hàng sang, dịch vụ tốt, giá rẻ bất thình lình”.

Thợ săn… phiếu giảm giá

Đã xa rồi cái thời người người nhà nhà đổ xô ra đường những mùa giảm giá, giờ đây, chỉ cần chịu khó bỏ ra một chút thời gian và  nhanh tay kích chuột, dân công sở đã có thể “lùng” hàng tốt giá rẻ qua những trang mạng mua chung, mua tranh đầy sức mê hoặc. Có thể ví mua chung như một cuộc thi nhanh tay, nhanh mắt, chịu khó, vì nếu chỉ chậm một chút là những “mặt hàng” ngon lành sẽ rơi vào tay người khác. Chị Ngân, nhân viên cơ quan hành chính chia sẻ: "Từ ngày phát hiện ra mấy trang mua rẻ, mình tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, không phải “bon chen” trong siêu thị hay các cửa hàng sale off, chỉ cần”dạo quanh” qua vài trang mua chung là mình đã chọn được vài loại hàng hóa vừa tốt vừa rẻ. Văn phòng mình “rỉ tai” nhau, lại cùng mua một loại phiếu, đến nỗi có hôm đến cơ quan sớm là phải bật máy thật nhanh để mua, không sợ cháy hàng. Dịch vụ này phổ biến lắm, ông xã nhà mình cũng thích mấy phiếu ăn uống nhà hàng, nên hai vợ chồng hay cùng vào “tìm” và “mua” cho nhanh”. Thế mới biết, không chỉ có các chị em phụ nữ mới “ham” giảm giá, các đức ông chồng chỉ ngại ngùng đi lùng hàng giảm giá với vợ lúc mua hàng, chứ với “mua chung”, bao nhiêu loại mặt hàng dịch vụ phục vụ đâu chỉ “bán” riêng cho phụ nữ, các anh mua phiếu để dùng và đôi khi cũng là để “vợ dùng”, có phiếu giảm giá, cả nhà cùng vui.

Trên các trang mạng, liên tục có những bài thảo luận sôi nổi về mua phiếu giảm giá, người khen, kẻ chê, nhưng nhìn chung, là đúc rút ra những “bí kíp săn phiếu giảm giá”: tìm hiểu kĩ thông tin giảm giá trên hàng hay trên phiếu, mua phiếu tiếng Anh thường phải đóng thêm tiền, mua đồ điện thường chất lượng không tốt, mua dịch vụ ăn uống thì chú ý tên tuổi quán, chủ quán vì nếu chỉ cần có sự thay đổi nào là phiếu sẽ thành vô giá trị, phiếu dịch vụ thường phải theo các tiêu chuẩn và bị giới hạn, phải so sánh và chọn lọc trước khi mua phiếu, xin hãy đọc kỹ các giao dịch giảm giá trước khi quyết định mua… Sau những va vấp của những lần tham gia mua phiếu, dường như các “bí kíp” ngày càng được cư dân mạng đúc rút và truyền nhau trên mạng.

Theo đó là hàng loạt các “chợ vouchers” mời chuyên đăng bán lại các phiếu khuyến mãi, giảm giá – nơi người mua được phiếu giảm giá trở thành những người bán, lời lãi cũng được tính tùy theo mục đích; người muốn bán tống bán tháo loại dịch vụ “trót mua nhầm” hay không kịp xài, kẻ muốn chia sẻ, trao đổi các phiếu còn thừa dù trào lưu mua sắm mới này tuy chỉ mới phổ biến trong hơn 1 năm gần đây tại Việt Nam. Quan trọng là “thâm niên” chọn hàng và “kỹ năng kích chuột và rình phiếu” phải thật nhanh. Nghệ thuật là ở chỗ đó!

“Ù tai, hoa mắt” vì phiếu giảm giá

Tâm lý được dùng “hàng tốt, giá rẻ” vẫn có sức hút lớn với cư dân mạng, vì thế mà mặc dù có những thông tin phản hồi về những rủi ro khi mua phiếu giảm giá, vẫn thấy các trang web liên tục cập nhật mặt hàng mới, vẫn “cháy hàng” sau mỗi đợt mua. Thế nhưng, đúng như “con dao hai, ba lưỡi”, loại hình dịch vụ này cũng khiến không ít dân công sở “choáng váng”. Chị Hà, một tín đồ săn voucher, tâm sự: “Mình như bị nghiện mua sắm phiếu, nhiều khi thấy rẻ nên cố mua, ông xã mình liên tục kêu ca vì tiền tiêu xài không hợp lý. Nhiều khi mua rồi, nhưng dịch vụ nó bắt kèm theo các dịch vụ tự túc khác nên chi phí bị “phát sinh”. Lúc mua thì “mê tơi” có kịp đọc và ngâm cứu lâu đâu. Mình còn mấy phiếu cũng đang phải gạ lại người quen mua lại cho. Nghĩ mà nản, cũng tại mình ham quá, bệnh phụ nữ là thế!”. Thực sự thời gian và hiệu quả là tiêu chí đáng bàn khi sử dụng loại dịch vụ mua phiếu này, đó là chưa kể sau khâu mua phiếu là hàng loạt các khâu thanh toán phức tạp khác như qua tài khoản, phí dịch vụ vận chuyển…


Cũng có một số trang mạng còn chưa rõ ràng trong thông cáo thông tin trên phiếu, hay chỉ đứng ra là đầu mối trung gian, còn việc bên kia thực hiện như thế nào thì lại không chịu trách nhiệm. Điều đó dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười vì “mua phiếu rẻ, dịch vụ khiêm tốn”, việc quản lý các trang mạng cũng còn nhiều bất cập vì ràng buộc pháp lý chưa đầy đủ, làm kẽ hở cho các tình trạng như tung các mặt hàng “giá gấp đôi, gấp ba lên rồi đăng giảm giá”, phục vụ thiếu tận tình của các nhà hàng không “mặn mà” với khách có phiếu giảm giá, không hoàn tiền và chịu trách nhiệm nếu có rủi ro…

Cũng giống những biến chứng trong các trào lưu của bán hàng đa cấp, tivi shopping. Mà nạn nhân chủ yêu là những khách hàng thiếu hiểu biết, nguyên nhân chính dẫn đến những sự việc “tiền mất tật mang” của rất nhiều các cư dân mạng tâm sự đầy uất ức trên các diễn đàn chung. Thế nên, dù mua chung hay mua riêng, quan trọng là hãy làm một người mua hàng thông thái!

Điều quan trọng là sự quản lý và môi trường pháp lý quy định hoạt động trách nhiệm quyền hạn của các loại hình dịch vụ cần được làm rõ, cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho Doanh nghiệp – Website trung gian và người mua hàng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger