Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

'Nghèo sau trận ốm nếu viện phí tăng'

Theo Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế Trần Đức Long, người không bảo hiểm y tế là lao động nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi viện phí tăng. Ông Vũ Xuân Bằng, Ban thực hiện chính sách bảo hiểm cho rằng họ sẽ thành nghèo, cận nghèo sau trận ốm.

Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thùy
Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thùy

Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế: "Người không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất"

Hiện nay nước ta có 62% dân có thẻ bảo hiểm. Còn lại 38% không có và những người này đa số là lao động tự do, người làm nông nghiệp hay có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Khi viện phí tăng, chính những người không có thẻ bảo hiểm y tế này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất, bởi họ sẽ phải chi trả hoàn toàn chi phí lúc cần khám chữa bệnh.
Điều này sẽ khuyến khích người dân mua bảo hiểm y tế. Khi toàn dân đều tham gia bảo hiểm sẽ đảm bảo an sinh xã hội và tạo điều kiện để thực hiện sự công bằng. Nghĩa là, mọi người khi khám chữa bệnh đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ, còn những ai muốn được hưởng dịch vụ cao hơn sẽ phải trả thêm tiền.
Ngoài ra, những người thu nhập thấp có thẻ bảo hiểm y tế cũng sẽ chịu tác động khi 350 dịch vụ y tế tăng giá, bởi việc phải đồng chi trả 5% của 200.000 đồng khác xa với 5% của một triệu đồng.
- Người dân lo ngại khi tăng viện phí họ sẽ phải đóng phí bảo hiểm y tế cao hơn; đi khám chữa tự nguyện thì phải chi trả nhiều hơn. Theo ông, hiểu như thế nào cho đúng?
- Rõ ràng tăng giá dịch vụ y tế thì phí phải đóng bảo hiểm cao hơn là đương nhiên. Tuy nhiên theo quy định hiện nay, mức đóng tối đa không quá 6% lương tối thiểu. Hơn nữa, số người phải tự đóng hoàn toàn bảo hiểm y tế rất ít, ví dụ người lao động trong doanh nghiệp chỉ phải đóng 1,5% lương tối thiểu, còn lại công ty sẽ đóng giúp 3%, nên sự ảnh hưởng cũng sẽ không nhiều. Hơn nữa, khi tham gia khám chữa bệnh, họ sẽ được bảo hiểm chi trả nhiều hơn.
Lĩnh vực khám chữa bệnh tự nguyện là do các bệnh viện thực hiện dựa trên điều kiện khám chữa bệnh và nhu cầu bệnh nhân, không nằm trong kế hoạch điều chỉnh viện phí lần này, nên không thể nói là sẽ cao hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng lần điều chỉnh tăng phí dịch vụ này là hợp thức hóa việc các bệnh viện xé rào đưa ra phí khám chữa dịch vụ (tự nguyện) cao như hiện nay. Quan điểm của ông thế nào?
- Hiểu như vậy là hoàn toàn sai. Thực tế, mức khung giá cũ từ năm 1995 đến nay đã quá lạc hậu và các bệnh viện không thể tồn tại với mức đó. Bộ Y tế đã có thông tư 03 điều chỉnh tại một số bệnh viện tuyến trên. Ở các bệnh viện tuyến dưới không thực hiện được việc này.
Việc điều chỉnh giá lần này sẽ thực hiện từ trung ương tới địa phương và các bệnh viện đều phải áp dụng. Tăng các dịch vụ y tế lần này nằm trong quy định của nhà nước với các bệnh viện công. Mảng khám chữa dịch vụ sẽ do bệnh viện tự đưa ra nhưng phải được sự xét duyệt của các bộ Y tế, Tài chính và nằm trong khung giá chung, tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện khám chữa...
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: Minh Thùy
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: Minh Thùy

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam: "Tăng phí bảo hiểm y tế phải theo lộ trình"

Tôi đồng tình với việc điều chỉnh viện phí cũ năm 1995 vì đã quá lạc hậu, nhưng tăng thế nào cho hợp lý thì phải tính đến khả năng chi trả của người dân và quỹ bảo hiểm y tế. Theo đó, Bộ Y tế cần làm rõ sẽ tính đúng tính đủ hay chỉ tính một phần dịch vụ y tế, nếu một phần thì là bao nhiêu, trong đó công khai từng khoản: từ ngân sách nhà nước, từ bảo hiểm chi trả và phần của người bệnh... Nếu việc này rõ ràng, minh bạch thì người dân sẽ thoải mái chấp nhận hơn.
Trước đây với mức thu 3% lương tối thiểu, bảo hiểm y tế luôn bội chi. Từ năm 2010, khi tăng lên 4,5%, quỹ đã cân đối được thu chi. Song viện phí tăng đồng nghĩa với chi trả bảo hiểm y tế cao hơn, thì không thể đảm bảo được thu chi. Để tránh nguy cơ vỡ quỹ, một trong những giải pháp là tăng mức đóng bảo hiểm. Theo quy định hiện nay, mức đóng tối đa là 6% lương tối thiểu, vì thế việc tăng lên 5 hay 5,5% cho người đóng bảo hiểm sẽ cần tính toán kỹ và có cả lộ trình.

Ngoài ra, một cách nữa là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, để nhiều người khỏe bù cho một người ốm, cũng giúp "cứu" quỹ.
<>Nhiều người nghĩ không việc gì phải mua bảo hiểm y tế để phòng bệnh, khi ốm mới nghĩ đến. Thực ra, mua bảo hiểm y tế không phải chỉ để dành cho lúc mình ốm đau, mà còn giúp người khác chữa bệnh và đó chính là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm y tế. Tham gia bảo hiểm nghĩa là nhiều người đóng góp cho một số ít người hưởng, nhưng thực tế có thể một người dùng bảo hiểm lại bằng rất nhiều người đóng. Chẳng hạn, một bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải chi mỗi năm hằng trăm triệu đồng, thì cần nhiều bệnh nhân đóng vào mới đủ bù chỗ đó. Trường hợp những người bị ung thư cũng vậy.
Nếu anh cảm xoàng thì đi khám có thể không cần thẻ. Nhưng khi chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế sẽ trở thành cứu cánh nếu chẳng may mắc bệnh. Việc trả viện phí là cả vấn đề nếu không có thẻ bảo hiểm y tế. Những người không mua bảo hiểm y tế có thể trở thành những người nghèo, cận nghèo ngay sau một trận ốm nặng vì phải mất nhiều tiền hơn cho việc điều trị, trong khi không được bảo hiểm chi trả khoản nào.
Ở một số nước phát triển, mức đóng bảo hiểm y tế của họ rất cao, như Pháp, có thể đến 10-14% thu nhập, vì thế quỹ được bảo đảm. Một số nước trong khu vực như Thái Lan thì mức đóng bảo hiểm cũng cao hơn ở nước ta nhiều.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM. Ảnh: Thiên Chương
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM. Ảnh: Thiên Chương

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM: 'Tăng bảo hiểm theo nhóm nếu viện phí tăng'

Bảo hiểm y tế không thể không tăng khi viện phí tăng, tuy nhiên mức phí điều chỉnh phải cân đối theo từng nhóm đối tượng. Người có bệnh tham gia bảo hiểm tự nguyện thì cần điều chỉnh cao hơn, còn với người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì có mức tăng ít hơn. Điều này tạo nên tính công bằng.
Viện phí tăng vì giá cũ đã lỗi thời là hợp lý nhưng nhất thiết phải xây dựng cơ cấu giá rõ ràng để giải thích cho việc điều chỉnh. Ví dụ muốn nói chi phí khám chữa bệnh 20.000 đồng thì phải rõ ràng là giá một lần khám với dụng cụ như cây gạc, băng tay... hay có cả tiền công cho bác sĩ, người vốn đã được nhà nước bao cấp lương. Đã tăng viện phí, tức bảo hiểm y tế đã phải chi trả tiền công khám cao hơn trước nhưng Nhà nước vẫn còn phải bao cấp lương cho bác sĩ thì không hợp lý.
Tăng viện phí chưa chắc nâng chất lượng điều trị. Tôi không tin rằng trong 3-5 năm mà tăng viện phí sẽ làm tăng chất lượng điều trị, bởi cái gốc của chất lượng là quá tải. Bác sĩ khám 100 bệnh nhân mỗi ngày, mà nâng giá viện phí thì bác sĩ cũng không thể khám ít hơn để tốt hơn được.
Minh Thùy - Thiên Chương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger